Dân Việt

Cảng Cam Ranh sẽ thành trung tâm dịch vụ quân sự

02/11/2010 05:13 GMT+7
(Dân Việt) - Trong ba năm tới, cảng quân sự Cam Ranh sẽ thành trung tâm cung cấp dịch vụ sửa chữa, hậu cần cho tàu quân sự và vận tải thương mại, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết.
img
Quân cảng Cam Ranh.

Bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: Trung tâm này vừa làm dịch vụ cho tàu hải quân của Việt Nam, vừa làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu hải quân, tàu kinh tế của các nước. Chủ quyền của trung tâm kỹ thuật dịch vụ này hoàn toàn thuộc về chúng ta, do chúng ta làm chủ đầu tư và quản lý. Tàu các nước muốn vào phải có hợp đồng kinh tế.

Đây là khu vực dành riêng làm hậu cần kỹ thuật chứ không lẫn với khu vực dành riêng cho tàu hải quân Việt Nam, do đó không ảnh hưởng gì đến vấn đề bí mật quân sự của ta và cũng không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài.

img
Đại tướng Phùng Quang Thanh

Quy mô của trung tâm này thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang lập dự án, đang đàm phán thuê tư vấn của Nga. Bây giờ chưa thể nói được quy mô như thế nào và tổng mức đầu tư là bao nhiêu nhưng hướng là sửa chữa nhỏ và vừa. Trong tương lai, căn cứ này có thể sửa chữa cả tàu ngầm. Chúng ta đang đặt mục tiêu phấn đấu và nhanh cũng phải 3 năm nữa.

Cảng Cam Ranh là cảng nước sâu, kín gió, gần đường hàng hải quốc tế nên sẽ rất thuận lợi để làm trung tâm dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các trung tâm trong khu vực, chúng ta phải cố gắng có đội ngũ chuyên môn kỹ thuật giỏi, nhà máy tốt, công tác đảm bảo trên bờ tốt.

Vậy tàu quân sự của các nước có được phép vào không?

- Chúng ta vẫn có thể xem xét cho vào vì đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới với tinh thần hết sức bình đẳng. Hiện nay, chúng ta vẫn cho các tàu quân sự nước ngoài vào thăm các cảng của chúng ta theo đường ngoại giao như Australia, Nga, Trung Quốc, Mỹ, các nước ASEAN...

Khả năng thu lợi kinh tế ở cảng Cam Ranh như thế nào?

- Tôi nghĩ trung tâm này chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, sửa chữa cho các tàu Việt Nam là chính, nhưng nếu chỉ vậy sẽ lãng phí vì công suất của cảng rất lớn. Do đó, chúng ta phải làm dịch vụ cho cả tàu nước ngoài, lấy cái đó để bù lại chi phí của chúng ta. Về thu lợi kinh tế, chắc chắn sẽ rất tốt.

Quá trình xây dựng có ảnh hưởng gì đến di dân và môi trường?

- Đây là khu vực quốc phòng, hoàn toàn không có nhà dân nên không phải giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã lập một dự án để xử lý môi trường cho khu vực này. Nếu để ô nhiễm đơn vị đầu tiên chịu thiệt hại là Hải quân Việt Nam.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, các lợi ích khác được đặt ra thế nào?

- Ngoài mục đích kinh tế sẽ có mục đích giao lưu với hải quân các nước, tạo sự tin cậy, hữu nghị hiểu biết lẫn nhau về kinh nghiệm quản lý, điều hành, bảo dưỡng, sửa chữa cũng như các hoạt động khác của tàu. Điều này là cần thiết vì chúng ta đang phát triển tàu hải quân theo hướng hiện đại trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Trong tương lai sẽ có nhiều tàu của các cường quốc có mặt ở Đông Nam Á, liệu có làm cho các đối tác khác lo ngại?

- Tôi nghĩ đó là điều bình thường vì Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và tăng cường giao lưu, muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ thì đó là điều bình thường.