Mua vào, bán ra đều… khó
Nhiều nông dân sở tại đã có thêm việc làm mới nhờ HTX Hà Duy Thưởng. |
"Ngay trước Tết Nguyên đán, mọi thứ đã tăng vùn vụt từ phân bón, điện, xăng dầu đến thuốc bảo vệ thực vật. Rồi công vận chuyển hàng đi các huyện, giá thuê nhân công, kỹ thuật… cái gì cũng tăng nhanh" - ông Đỗ Duy Thưởng - Chủ nhiệm HTX Hà Duy Thưởng, TP. Sơn La, tâm sự.
Khua cái kéo đặc chủng có phần tay cầm lớn gấp 3 lần phần lưỡi, dùng để cắt tỉa hoa, anh Đèo Văn Hải, xã Chiềng Xôm, cho biết: Từ khi giá cả tăng, đi gửi hoa cho các đại lý cũng khó khăn. Giá cước cao đã đành, phụ xe lại hay phàn nàn là bó to, dài, cồng kềnh, vướng víu… để tăng thêm giá nữa. Còn mua phân bón thì cứ như bị mất cắp tiền mà thuê nhân công thì ai cũng muốn được tăng lương. Vậy mà giá hoa bán ra vẫn phải giữ giá vì sau Tết mấy ai chơi hoa”.
Không thể làm nhỏ lẻ
Ông Đỗ Thế Long
Sau nhiều ngày thảo luận, bàn bạc, ngươi trồng hoa Sơn La đi đến thống nhất: Không thể làm ăn nhỏ lẻ theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng" mà phải chung sức vượt bão giá bằng con đường: Lập HTX Hà Duy Thưởng.
Ông Đỗ Văn Giáp-Phó Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Vào HTX, chúng tôi vừa được Nhà nước hỗ trợ; lại có thêm điều kiện để tương trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật. Đặc biệt với tư cách HTX, chúng tôi có thể mua phân bón, vật tư của các doanh nghiệp theo phương pháp trả chậm, trả góp, giải quyết tốt những vướng mắc do biến động giá cả thị trường.
Trước đây mỗi hộ đều cần thuê 1-2 nhân công kỹ thuật với lương 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nay chúng tôi có thể giảm đi một nửa số nhân công kỹ thuật ấy bằng cách sử dụng luân phiên cán bộ kỹ thuật giữa các vườn theo thời điểm chăm sóc của từng loại hoa và tăng thêm lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu thời vụ”.
Theo ông Đỗ Thế Long - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ các thành viên thuộc Liên minh các HTX tỉnh Sơn La: Việc lập HTX trồng rau-hoa Hà Duy Thưởng là một sáng kiến của nông dân Sơn La trong thời điểm bão giá.
Hơn nữa, các HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đi lên của các xã viên mà còn tạo điều kiện đào tạo nhân công là nông dân tại chỗ; giúp họ làm quen dần với phương pháp sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.
Kiều Thiện