Dân Việt

Ngày 8.3, nói chuyện bánh mì và hoa hồng

07/03/2011 13:16 GMT+7
(Dân Việt) - Ngyà Quốc tế Phụ nữ được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 8.3.1977. Trước đó hàng trăm năm, phụ nữ ở nhiều quốc gia đã biểu tình, diễu hành vào đúng ngày này để đòi các quyền lợi hợp pháp của mình và đấu tranh cho sự bình đẳng.

Ngày 8.3.1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York để đòi tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.

Ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn, năm lại năm, ngày 8.3 đã dần đi vào đời sống. Nhưng dường như, ngày 8.3 mới chỉ dừng lại ở giới trẻ, và hiểu theo nghĩa giản đơn là tặng nhau một đoá hồng bày tỏ tình yêu thương, hay sâu xa hơn một chút là tôn vinh về mẹ.

"Hoa hồng"- đã đành là như vậy, nhưng còn "bánh mì", còn các thiết chế bình đẳng thì vẫn đâu đó xa vời. Ngày 8.3, cánh đàn ông vẫn nhắc một câu thơ tếu táo cho vui nhưng chứa nhiều phần sự thật: "Hôm nay ngày 8.3/Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi".

Ở nông thôn, cảnh này càng phổ biển. Nữ nhà báo Đức Tanja Kohle- trong một chuyến đi điền dã ở nông thôn Việt Nam đã thốt lên câu hỏi: "Đàn ông Việt Nam đi đâu vậy?" khi chị nhìn thấy trên đồng ruộng phụ nữ cày bừa, trồng cấy; ở chợ, phụ nữ tần tảo bán mua; ở nhà phụ nữ nấu nướng, chăm sóc con cái.

Điều này minh chứng cho một nhận định của một tổ chức quốc tế: "Chiếm 51% lực lượng lao động ở Việt Nam, phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái". Như vậy, xét theo "đầu" công việc thì dường như phụ nữ Việt Nam đang gánh quá nặng. Và việc phải kiếm "chiếc bánh mì" cho gia đình là việc mà phụ nữ đang phải chung tay gánh vác phần nặng hơn, với nhiều trách nhiệm ràng buộc hơn.

Nói về các thiết chế bình đẳng, hệ thống luật Việt Nam tự hào vì có "Luật Phòng chống bạo lực gia đình" và "Luật Bình đẳng giới". Hơn ai hết, những người thực thi pháp luật đều hiểu, luật có đấy, nhưng đi vào cuộc sống hay không lại là chuyện khác.

Ngày 8.3, nói chuyện "bánh mì và hoa hồng" cũng có hàm ý khác: Sự no đủ và sự yêu thương. Có no đủ, có sự yên ổn; có yêu thương, có sự bình đẳng. Điều đó phụ thuộc nhiều vào phái mạnh- và vì vậy, nó thật mong manh nếu không có sự đấu tranh mạnh mẽ và quyết liệt.