Phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới nhưng Khanh đang bị lãng quên. Ảnh: một góc hang Sơn Đoòng. Ảnh: Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh |
Sau phát hiện chấn động đó, chính quyền hứa hẹn tặng bằng khen cho “vua hang động” nhưng đến nay vẫn bặt tăm.
Bặt tăm lời hứa
Hồ Khanh từng có mặt trên các trang truyền thông lớn như BBC, Daily Mail, The Sun…. Các báo ở Việt Nam chạy trang nhất về Hồ Khanh, người phát hiện hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Nhưng hai năm qua, sau phát hiện chấn động đó, Hồ Khanh như bị lãng quên trong khốn khó xót xa.
Thế giới biết đến Sơn Đoòng nhờ Hồ Khanh. |
Đầu tháng 5.2009 khi Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (British Caving Association) công bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới, hầu như mọi chuyên gia nghiên cứu về địa mạo địa chất các châu lục đều hướng về Phong Nha - Kẻ Bàng, cái tên bình dị Hồ Khanh được xướng lên từ giới chuyên môn, khoa học gia, quản lý địa phương và truyền thông thế giới.
Khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình từng phát ngôn sẽ tặng bằng khen và có phần thưởng cho Hồ Khanh nhưng hình như lời hứa cứ nhạt dần theo năm tháng. Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới cũng từng hứa báo cáo điển hình Hồ Khanh để tỉnh quan tâm, nhưng nó như "lời nói gió bay". Mọi báo cáo về việc phát hiện ra Sơn Đoòng sau đó hầu như không nhắc đến “vua hang động”. Mỗi nhiệm kỳ mười hai tháng tổng kết, đánh giá hoạt động di sản đều không có một chiết từ nào nhắc đến công lao người thợ rừng đam mê hang động.
UBND xã Sơn Trạch đã từng hai lần đánh công văn gửi UBND huyện Bố Trạch, đề nghị Hồ Khanh xứng đáng được tặng bằng khen vì đã khám phá nhiều hang động tuyệt đẹp, trong đó có Sơn Đoòng nổi tiếng toàn cầu. Nhưng cho đến nay huyện Bố Trạch vẫn phớt lờ không có phản hồi.
Chúng tôi đã tìm gặp nhiều quan chức huyện, tỉnh thắc mắc vì sao Hồ Khanh xứng đáng thế không được xướng tên trong một bằng khen, nhiều người ngạc nhiên và nói một câu nhẹ hều: “Để xem xét lại”.
Thất nghiệp
Giữa tiết trời giá rét, Hồ Khanh thu mình trong mái nhà ẩm thấp bên miền di sản. Nhắc đến những hang động đã tìm ra, Khanh say sưa kể, say sưa mô tả với tất cả mê hoặc của tâm hồn. Nhưng ẩn ức trong lồng ngực là nỗi buồn vô biên của một người bị bỏ rơi sau bao khám phá.
Kể từ ngày thế giới biết đến Sơn Đoòng thì Hồ Khanh lại khuất buồn sau nương rẫy mưu sinh. Không nghề nghiệp, Khanh phải tảo tần với ngô sắn để qua ngày. Trận lũ lịch sử năm 2010 quét qua làng nhỏ Phong Nha, nhà Khanh trôi mất 6 con dê, báo cáo thiệt hại vẫn không được trợ cấp cân gạo hoặc gói mì tôm. Tự lực kiếm sống, người chị ruột thấy anh không tấc đất làm ruộng đã cho gia đình anh mượn tạm chục thước đất cấy mỗi năm một vụ để cấp cứu trước mắt.
Hồ Khanh đang vật lộn với mưu sinh. |
Biết anh là người phát hiện ra động Thiên Đường dài 31km, tập đoàn Trường Thịnh đầu tư khai thác du lịch đã mời anh làm hướng dẫn viên với mức lương 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng từ nhà đến điểm làm việc cả đi lẫn về mỗi ngày hơn 40km, hạch toán lại mức lương, thấy lỗ, Khanh đành trả lại hợp đồng, ở nhà quần quật với nương rẫy vì không kham nổi mức lương đó.
Nhà Khanh phải vật lộn với bốn miệng ăn, hai đứa con phải đi học, có khi phải vay mượn để sống. Khó khăn vô biên. Nhưng trong muôn vàn hiểm nghèo đó, Khanh vẫn cháy bỏng ngọn lửa tìm kiếm hang động mới. Anh nói: “Đoàn chuyên gia hang động Anh phán đoán tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn có một hang động ngang bằng hoặc hơn Sơn Đoòng và đang nhờ mình tìm kiếm”.
Khanh cho biết, trong năm 2011 anh sẽ thực hiện 4 chuyến đi rừng để tìm hang động bí ẩn này, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 10 ngày, và mọi thứ đều vay mượn để thực hiện. Bởi đó là đam mê không thể lột bỏ. Không thể bào mòn.