Anh Tuyên (trái) và anh Chính trên cột mốc 262 (Hà Giang). |
Với hai anh, những cột mốc mà họ trực tiếp đi đo đạc xây dựng như một phần máu thịt của mình và không thể nào quên được. Để xây được những cột mốc như vậy tính mạng họ đã nhiều lần như “ngàn cân treo sợi tóc”. Do vậy với họ những cột mốc biên cương không chỉ là dấu mốc thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là kỷ vật không thể nào quên của đời người lính biên phòng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hữu Chính kể: Hôm 8 người trong tổ chúng tôi đang chụm đầu đảo vữa để chôn cột mốc 258 thì đụng mìn. Đây là loại mìn K69 với sức công phá có thể thổi bay 1 chiếc xe tăng lên khỏi mặt đất 2m. Nếu hôm đó mìn nổ thì cả nhóm chúng tôi đều vụn ra như cám.
Cũng từ mìn mà nhóm của anh Tuyên được trận hú vía không kém. Hôm đó, cột mốc 408 đã được tổ cắm mốc của ta và bạn ấn định vị trí chôn. Anh Tuyên chỉ huy người mang cọc lên đóng điểm để hôm sau đào móng chôn mốc.
Điều lạ lùng là cả 3 chiếc cọc đóng xuống cứ đến phân nửa thì đều gẫy, đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện như vậy? Chẳng hiểu chuyện gì anh em đành dừng lại. Hôm sau lên đào hố móng, chiếc máy dò vừa được bật lên đèn đỏ nháy liên hồi, tiếng o o cũng phát ra không ngừng.
Biết có mìn, những người lính công binh bình tĩnh dùng bay vét từng cm đất. Cuối cùng đã lộ ra 3 quả mìn đang chụm đầu vào nhau, nếu 3 chiếc cọc kia không đồng loạt rủ nhau gẫy thì chỉ 5cm sẽ kích nổ cả 3 quả mìn.
Vớt xong 3 quả mìn cho công binh đi huỷ, anh Tuyên nghĩ, "chỉ có mìn tránh mình được thôi và chỉ có may mắn mới không bị tai họa đổ lên đầu".
Khánh Gia