Ngày không dám nghĩ tới
Chị Hoa không mong được nhớ tới trong ngày 8.3 mà chỉ mong được chồng đối xử tử tế. |
Từ khi về làm dâu ở tổ dân phố 11, chị Lưu Thị Sương kiếm sống bằng nghề buôn rau quả ở chợ Đông Ba. Thời điểm gần ngày 8.3, chị chuyển từ buôn rau quả ở chợ sang bán hoa lề đường. “Gần đến ngày Quốc tế Phụ nữ nên hoa bán khá chạy. Vốn ít thì phải linh hoạt mới kiếm đủ cái ăn qua ngày”- chị Sương cho biết.
Bán hoa phục vụ ngày của phụ nữ, nhưng khi được hỏi về ngày 8.3 của mình, chị Sương bảo đó là ngày chị chưa bao giờ nghĩ tới. Kinh tế gia đình chị quá ngặt nghèo, vợ buôn bán nhỏ, chồng làm nghề phụ hồ, nên không đủ tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. “Ngày mô hai vợ chồng cũng vắt sức kiếm cơm từ sáng đến tối mịt. Cuộc sống cùng cực nên ngày 8.3 với tui là ngày xa xỉ, không dám nghĩ tới”- chị Sương bộc bạch.
Nghe nhắc ngày 8.3, chị Phan Thị Huệ đang hì hụi thổi cơm bằng bếp than tổ ong trong ngôi nhà chồ xiêu vẹo bên cạnh bắt chuyện bằng một kỷ niệm tuổi 20. Đó là ngày 8.3 đầu tiên và cũng là ngày duy nhất cho đến nay chị được chồng nhớ tới, dù quà chồng tặng lần đó chỉ là mấy bông hoa dại. “Khi đó anh ấy được khách ngồi xích lô mời uống rượu, say nên trên đường về hái mấy bông hoa dại tặng vợ. Từ đó đến nay anh ấy không nhớ gì ngày 8.3 nữa, dù chỉ là lời chúc bằng miệng”- chị Huệ buồn kể.
Thấy con dâu thoáng buồn, bà Trần Thị Hạnh - mẹ chồng chị Huệ liền an ủi: “Chồng con quần quật quanh năm suốt tháng kiếm tiền mua gạo thì làm sao nhớ được ngày này tháng nọ”. Bà Hạnh bảo, hàng trăm phụ nữ trong tổ dân phố chẳng ai có ngày 8.3 cả nên không có gì phải buồn.
“Được đối xử tử tế là hạnh phúc rồi”
Chị Nguyễn Thị Hoa
Tổ dân phố 11 có gần 130 hộ dân sống chui rúc trong những ngôi nhà chồ rách nát trên thửa đất hẹp dưới chân tường thành Đại nội Huế. Tất cả người dân ở đây đều kiếm sống bằng nghề xích lô, xe thồ, bốc vác, nhặt rác, ăn xin và buôn bán nhỏ nên cơm áo ghì sát đất. Cái khó bó cái khôn. Sự đói rách đẩy nhiều gia đình tới chỗ mâu thuẫn và người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Chị Nguyễn Thị Hoa có chồng và 3 người con làm nghề bốc vác và xe ôm. Cuộc sống túng quẫn khiến vợ chồng chị hay xảy ra xung đột và chị thường bị bạo hành trong những lần mâu thuẫn đó. Chị Hoa bảo, chị không hy vọng được chồng nhớ tới ngày 8.3 mà tặng quà hay có lời chúc mừng đối với mình. Chị chỉ mong được chồng thương, được đối xử tử tế, bình đẳng là hạnh phúc rồi.
Được chồng yêu thương nhưng chị Lê Thị Liên, nhà cạnh đó vẫn sống trong đau khổ bởi những đứa con nghịch tử. Hai đứa con trai đã ở tuổi trưởng thành của vợ chồng chị Liên không chăm chỉ làm ăn mà sa vào các băng nhóm trộm cắp ở các chợ. Trước sự khuyên bảo của mẹ, chúng không những không nghe mà thỉnh thoảng còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chính mẹ mình. “Tui không mong được ai quan tâm trong ngày 8.3 mà chỉ mong con cái nghe lời mình mà tu chí làm ăn”- chị Liên nói.
Nỗi niềm của chị Hoa và chị Liên cũng là tâm sự chung của rất nhiều phụ nữ ở nơi có đời sống được coi là cùng cực nhất của TP. Huế này. Cuộc sống cực khổ nên họ không được và không dám mong được tặng quà hay được nói lời chúc mừng trong ngày 8.3, họ chỉ mong được chồng con yêu thương, tôn trọng.
An Sơn