Ông Liêm với đàn dê bách thảo nuôi tại trang trại. Ảnh: Trần Quang |
Ai có lần chạy xe dọc con đường ven biển An Bàng, TP.Hội An, Quảng Nam sẽ gặp một người đàn ông tay cầm roi, tay cắp chiếc ghế nhựa, lững thững đi theo đàn dê 100 con. Con nào cũng béo tròn đang gặm cỏ, cây, lá trên bờ biển. Nhờ công việc nuôi dê này ông Liêm đã xây được nhà đẹp, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều so với thời gian làm ngư dân.
Bỏ biển lên bờ nuôi dê
Ông Liêm kể, công việc nuôi dê chẳng vất vả mấy nhưng mỗi năm thu nhập 70 triệu đồng. 8 năm trước ông là ngư dân, năm nào trúng lắm mới được chừng đó tiền, nhưng không biết sống chết lúc nào. Thế rồi, ông bỏ nghề lên vùng núi Hòa Phú, Bà Nà (Đà Nẵng) tìm cách kiếm cơm khác. Tại đây ông gặp nghề nuôi dê.
Ông Nguyễn Văn Liêm
"Con dê ở núi đưa về biển liệu sống được không"- ông phân vân. Nhưng rồi ông tự nhủ "Không đi không tới, không thử không biết". Nghĩ vậy thôi chứ ông không làm liền. Ông quay về tìm sách vở về dê nghiên cứu.
Ông đăng ký học lớp thú y do một công ty dược thú y ở Singapore mở tại Đà Nẵng. Tham gia khóa học, ông biết được căn bệnh phổ biến của dê khi thay đổi môi trường sống, uống nước lạ và cách chữa trị.
Sau khi đã hiểu căn bản kiến thức, ông mua 17 con dê giống về nuôi. Ông làm chuồng cho dê còn kiên cố và đẹp hơn... nhà ông đang ở. "Tôi làm khác với đồng bào trên núi là tạo môi trường sống cho dê như người. Chuồng là nhà của nó, phải rộng, thoáng, vệ sinh". Ông lấy song giường làm nền sàn cho dê.
Nhờ thế nước tiểu, phân qua khe giường lọt xuống tầng dưới. Ông làm hầm biogas để tận dụng phân dê và xử lý virus. Ông dùng thuốc diệt ruồi, muỗi để dê yên tâm ngủ nghỉ. Dê có thai, mỗi tháng ông tiêm thuốc bổ cho nó hai lần. Ông quan sát hàng ngày để xem con nào mệt mỏi, bỏ ăn và điều trị ngay. Nếu chết thì tiêu hủy. Nhờ cách chăm sóc đặc biệt như vậy mà con dê mọi người nuôi 1 năm chỉ đạt 20kg còn của ông đạt 30kg.
“Gieo” rộng rãi, “gặt” thuận lợi
Từ 17 con dê ban đầu, chỉ sau 1 năm tăng lên 55 con. Bán 15 con ông có 15 triệu đồng. Năm sau đàn dê tăng lên 110 con, ông bán 40 con, được 40 triệu đồng. Những năm gần đây, đàn dê của ông tăng lên 170 con.
Sau 6 năm ông xây căn nhà mới khang trang, cao ráo. Ngoài chuyện làm giàu, ông được Hội ND TP.Hội An cấp giấy chứng nhận ND SXKD giỏi còn vì sự rộng rãi của ông.
Anh Trần Khánh (xã Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam) từng cơ hàn với con cái nheo nhóc trong nhà lụp xụp, cũng nuôi dê nhưng thất bại liên tục, đã tìm đến ông Liêm. Ông cho anh Khánh cầm roi đi theo ông chăn dê, chỉ cho anh cặn kẽ cách thức, cho ăn ở trong nhà, để học hỏi. Nhờ đó, anh Khánh nuôi dê lại và trúng lớn.
Không chỉ anh Khánh, ông Liêm còn giúp nhiều nông dân nuôi dê, và phần lớn đều có cuộc sống khá giả. Có người hỏi, ông không sợ bị canh tranh, mất mối bán, nhiều người nuôi quá, giá dê sẽ rẻ. Ông trả lời: “Nuôi mạnh thì thị trường tiêu thụ sẽ mạnh, không lo. Hơn nữa giúp ai được thì giúp, mình rộng rãi với người thì số phận sẽ rộng rãi với mình”.
Trần Quang