Sự cố gây mất điện 22 tỉnh miền Nam vừa qua thực sự là bất khả kháng hay tắc trách trong vận hành lưới điện gây mất an toàn, thưa ông?
- Đây là sự cố về vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Tất cả các đường dây cao áp hiện nay đều đã có quy định về khoảng cách an toàn. Vi phạm khoảng cách an toàn này đều gây sự cố phóng điện. Sẽ xảy ra trường hợp gây chập mạch, hồ quang điện phóng ra nên tất cả các đường dây "bấu" vào đường dây điện này sẽ bị tác động hết. Sự cố vừa rồi không khác gì đường dây điện bị chạm đất cả. Cũng may các nhà máy điện đều có thiết kế an toàn nên khi xảy ra sự cố các đường dây điện đều nhảy áp.
Ông Bùi Quang Vinh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường nghiệp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương |
Đã có hành lang an toàn lưới điện, tại sao người lái xe cẩu có thể vi phạm một cách dễ dàng như vậy được, thưa ông?
Ông Đỗ Quang Vinh
- Về nguyên tắc, đã là hanh lang an toàn thì không được phép vi phạm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 106, sau đó bổ sung Nghị định 81 về hành lang an toàn lưới điện, trong đó đã quy định khoảng cách để bảo đảm an toàn cho lưới điện...
Theo tôi được biết, người lái xe cẩu hoạt động ngoài hành lang, nhưng do cẩu đã cao, lại cẩu cây lên cao nên khoảng cách an toàn đã bị thay đổi, cây đổ nghiêng nên chạm vào đường dây điện, gây sự cố. Lái xe đã dựng cột cẩu vi phạm khoảng cách.
Vậy EVN có trách nhiệm gì về việc người dân vi phạm hành lang an toàn điện?
- Hành lang an toàn điện này được ví như đèn xanh, đèn đỏ trong giao thông vậy. EVN chỉ thiết kế đường dây điện sao cho bảo đảm an toàn, xây dựng đường dây như thế nào để đảm bảo khoảng cách an toàn thôi. Đường dây 500kV còn đi qua bao nhiêu cánh rừng, cánh đồng nữa... Họ không thể cử người ra đứng đấy mà canh gác suốt ngày dưới đường dây điện được.
Người dân phải có ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lưới điện này. Hiện nhiều nơi, người dân tự trồng cây, xây dựng gần hành lang an toàn lưới điện. Họ vi phạm là lỗi tự bản thân họ, chứ không phải lỗi của EVN. Tôi cho là với ý thức người dân như thế này, không cẩn thận sẽ còn xảy ra liên tục các sự cố tương tự.
Sự cố này gây thiệt hại quá lớn cho người dân, doanh nghiệp thì phải quy trách nhiệm ở đâu. EVN không thể chỉ đơn giản nói xin lỗi và xin cảm thông được, thưa ông?
- Đây là sự cố bất khả kháng nên tôi cho rằng, mỗi bên cùng chia sẻ thiệt hại. Người dân thiệt hại, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiệt hại, bản thân EVN cũng thiệt hại, tất nhiên không ai mong muốn như vậy.
Với các thiệt hại của người dân như vậy thì việc bồi thường sẽ như thế nào?
- Nghị định 74 của Chính phủ đã có quy định về xử phạt, bồi thường. Bộ Công thương đang sửa nghị định này để trình Chính phủ. Trước mắt thì sẽ có phạt hành chính, tôi cho rằng một cá nhân như người lái xe cẩu thì làm sao "gánh" nổi các thiệt hại này. Việc giải quyết thiệt hại cũng không phải dễ. Hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, sau khi có kết luận thì sẽ có cơ sở để giải quyết thiệt hại.
Xin cảm ơn ông!
>> Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ nội dung bài phỏng vấn trên báo NTNN số ra ngày mai (24.5)
Mai Hương (thực hiện)