Dân Việt

"Phải làm cho mình trở thành có giá trị"

24/05/2013 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Ở đất nước ta cũng có nhiều người khuyết tật và bằng ý chí, nghị lực của mình, không ít người đã vươn lên để trở thành những “Nick” của Việt Nam.

Nhiều phiên bản của Nick

Người Việt chắc hẳn không ai không biết đến anh Nguyễn Công Hùng - "Hiệp sĩ" công nghệ thông tin vừa mới khuất núi. Anh Hùng không chỉ mở lớp dạy công nghệ thông tin cho người khuyết tật mà còn tham gia tích cực vào rất nhiều hoạt động của Hội Người khuyết tật. Mặc dù đã mất nhưng danh tiếng về nghị lực sống của anh vẫn khiến hàng triệu người Việt cảm động, khâm phục.

img
Thầy Lưu Đình Tú chụp ảnh lưu niệm cùng học trò cũ.

Không nổi tiếng như Công Hùng, nhiều người khuyết tật vẫn âm thầm cố gắng và đã gặt hái được không ít thành công trong cuộc sống.

Thầy Lưu Đình Tú (đường Lê Quý Đôn, Hà Nội) là người khuyết tật vận động. Kể lại câu chuyện cách đây hơn 20 năm, thầy Tú nghẹn ngào: "Năm ấy, sau khi tốt nghiệp khoa Toán (ĐH Tổng hợp) tôi lang thang đi tìm việc suốt một thời gian dài. Lúc đầu làm cộng tác viên cho Viện Khoa học xã hội, rồi làm báo...

img Có không ít người khuyết tật ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn chưa được hỗ trợ học hành, tạo điều kiện làm việc để vươn lên. img

Thầy Lưu Đình Tú

Nhưng dù làm nhân viên hay làm cán bộ thì ngày đó vẫn không thể vào biên chế được vì quy định của Nhà nước là không được tiếp nhận người khuyết tật".

Không nản lòng, thầy vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, tự nhận dạy kèm toán cho các cháu trong khu, con bạn bè.

Kể từ đó thầy đứng lớp, giảng cho các em, gợi mở những hướng đi mới. Nhờ có thầy mà hàng nghìn học sinh đã tìm thấy được giá trị của bản thân, đỗ đạt thành tài.

Hơn nửa quãng đời thầy luôn tâm niệm "phải làm cho mình trở thành có giá trị" và cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Kể từ đó thầy đứng lớp, giảng cho các em gợi mở những hướng đi mới. Nhờ có thầy mà hàng nghìn học sinh đã tìm thấy được giá trị của bản thân, đỗ đạt thành tài. Giờ thì thầy cũng đã có một gia đình hạnh phúc, hai con của thầy cũng đã trưởng thành.

Thầy Tú tâm sự: "Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thích nghề giáo, cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là thầy giáo. Đơn giản mình chỉ là một người đứng lớp để nói với các em về bài vở và cuộc sống".

Với thầy Tú: "Cuộc sống luôn là những ẩn số tưởng chừng rất khó giải, nhưng trong cái khó ấy lại luôn chứa đựng những điều thật giản đơn, kỳ diệu. Có điều muốm khám phá những điều tưởng chừng giản đơn ấy chúng ta phải sống thật nhiệt huyết, phải "cháy" hết mình".

Lúc đứng giảng thầy không chỉ là dạy kiến thức, thầy Tú còn truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê, thôi thúc học trò đi tìm giá trị của bản thân.

Ngẫm lại, thầy Tú vẫn không khỏi trăn trở: "Mặc dù xã hội đã bớt kỳ thị, người khuyết tật cũng đã bớt mặc cảm hơn nhiều để vươn lên trong cuộc sống, vậy nhưng vẫn có không ít người khuyết tật ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa có điều kiện được học hành, tạo điều kiện làm việc. Chừng nào vẫn còn lực cản từ bản thân, xã hội thì cũng khó để có thể thực hành như phương châm "Sống không giới hạn" như Nick Vujicic".

Nghe tin Nick Vujicic đến Việt Nam, thầy Tú rất vui. Thầy đã dự định, đến chiều 24.5 sẽ tham gia cuộc giao lưu cùng các bạn trẻ và Nick với chủ đề "Hãy sống như Nick".

Hỗ trợ chưa đồng bộ

Ông Nguyễn Đình Lưu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Số liệu năm 2010, cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 2 triệu người (chiếm 29%) là khuyết tật vận động nặng, mất cả 2 chân, hoặc mất 2 chân, mất 1 hoặc một phần cánh tay. Tuy nhiên, những trường hợp này chưa từng được thống kê.

"Hiện nay, xã hội dù đã có những cái nhìn tích cực về người khuyết tật, nhưng nhiều người vẫn cho rằng hỗ trợ người khuyết tật chỉ cần tiền. Họ không biết rằng hỗ trợ về tinh thần, giúp người khuyết tật tiếp cận với chính sách an sinh mới là đặc biệt quan trọng" - ông Lưu khẳng định.

Nguyên nhân chính ngoài vấn đề tâm lý của người khuyết tật còn do hệ thống chính sách hỗ trợ của Nhà nước ta chưa đồng bộ. Chính sách có nhưng việc thực hiện chưa quyết liệt, hệ thống đánh giá, giám sát còn yếu.

Bà Hoàng Thị Lan - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Nam Định cho hay: "Kinh phí thiếu, hỗ trợ nhà nước cho các đối tượng lại có hạn, vì thế nếu không nỗ lực vươn lên thì khó có người khuyết tật nào có thể vượt lên số phận để sống".

Bà Lan cũng cho biết thêm, hiện nay tỉnh chưa ghi nhận trường hợp người khuyết tật vận động nào không chân không tay. Thế nhưng, có khoảng 500 người khuyết tật nặng không còn khả năng vận động. Nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc giám định, vì thế chưa được nhận sự hỗ trợ”.

Những tấm gương vươn lên từ sự tật nguyền như anh Nguyễn Công Hùng, thầy Lưu Đình Tú, rồi cô bé tí hon Linh Chi... ở Việt Nam là không hiếm. Họ xứng đáng được tôn vinh là những “Nick” của Việt Nam, được ghi nhận bởi những đóng góp thực sự có ích cho đời sống, cho xã hội. Và trong chừng mực nào đó, bên cạnh việc xem Nick Vujicic như một thần tượng thì nên chăng, cũng hãy xem những “Nick” của Việt Nam là những người đáng để học hỏi và ngưỡng mộ.

Đòi hỏi này, có lẽ những người dân, những người hâm mộ sẽ có những thay đổi qua năm tháng, ít nhất về nhận thức. Nhưng còn để những người khuyết tật thực sự có cơ hội vươn lên, như anh Hùng, thầy Tú, như Nick Vujicic... thì ngành chức năng hãy sớm bắt tay ngay vào việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và quan trọng hơn, nếu đã có chính sách rồi hãy đừng để đó chỉ là những chính sách trên giấy...