Vấn đề nóng nhất tính từ cuối năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã được giảm nhiệt, khi đã tăng thấp trong 4 tháng liền và tính chung 7 tháng mới tăng 4,84%, một tín hiệu khả quan để cả năm có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Đáng lưu ý, giá lương thực sau khi tăng cao vào tháng 1 và tháng 2- là những tháng trước và sau Tết Nguyên đán- đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp (với mức giảm lên tới 5,77%).
Việc giảm giá liên tiếp của lương thực là yếu tố lớn nhất góp phần làm giảm nhiệt vấn đề lạm phát. Lạm phát được kiềm chế sẽ làm cho Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm và mạnh dạn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, góp phần hạ mạnh hơn lãi suất cho vay vừa tạo điều kiện cho người vay tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, vừa hạ chi phí vay vốn để góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất trong nước. Lạm phát được kiềm chế sẽ làm lãi suất gửi tiết kiệm trở thành thực dương; mà những người gửi tiết kiệm chủ yếu là những người có thu nhập không cao nhưng vẫn phải chắt bóp gửi tiết kiệm theo kiểu “tích cốc phòng cơ”.
Lương thực là mặt hàng thiết yếu nhất của mọi người, lại càng quan trọng hơn đối với những người nghèo, người có thu nhập thấp phải dành một phần lớn thu nhập để chi cho lương thực, thì giá lương thực thấp và giảm là một niềm vui. Tuy nhiên, giá lương thực giảm liên tiếp tới 5 tháng liền lại là một sự thiệt thòi của người sản xuất lương thực. Thiệt thòi khi thu nhập bị giảm. Thiệt thòi khi giá lúa thấp đi nhưng lại phải trả tiền vay với tiền lãi cao hơn trước. Thiệt thòi vì bán giá thấp hơn nhưng lại phải mua vật tư với giá cao hơn. Thiệt thòi vì bán giá thấp hơn nhưng lại phải mua hàng công nghiệp, chi phí dịch vụ với giá cao hơn...
Giá lương thực giảm do lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ cả về diện tích (tăng 25,4 nghìn ha), năng suất (tăng 1,1 tạ/ha) và sản lượng (ước tăng 495 nghìn tấn); lúa hè thu đã thu hoạch xong, trong khi xuất khẩu gạo 6 tháng giảm 4,9%), sắn và sản phẩm của sắn giảm 51,4%, nhập khẩu lúa mỳ tăng 79,6%, giá xuất khẩu gạo những tháng gần đây giảm. Để giảm bớt thiệt thòi cho nông dân trồng lúa, các ngành các cấp cần đẩy mạnh mua lúa cho nông dân với giá cả hợp lý, trợ giá mua lúa, nếu chưa xuất khẩu được thì tạm trữ; tạo điều kiện để nông dân kéo dài thời hạn trả nợ, được vay vốn với lãi suất thấp hơn…
Đào Ngọc Lâm