Người dân nông thôn ở Sơn La đã được mua điện trực tiếp từ ngành điện. Ảnh: Thanh Xuân |
Sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân
Sơn La là tỉnh miền núi với địa bàn rộng, bao gồm 11 huyện và thành phố với 208 xã, phường, thị trấn với 98,5% đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên hệ thống điện nông thôn trước đây chủ yếu là cột tre, cột gỗ, dây giăng mắc chằng chịt, không đảm bảo an toàn và hao hụt điện năng lớn.
Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đối với nhiều hợp tác xã điện được cho là “quá sức” nên nhiều năm qua, người dân vẫn phải chịu giá điện cao trong khi chất lượng điện lại “phập phù”. Chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý là điều kiện tốt để cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Văn Minh – Trưởng phòng kinh doanh Điện năng và Điện nông thôn PC Sơn La cho biết: Từ khi có chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNPC, PC Sơn La đã tiến hành phối hợp với các cơ quan trên địa bản tình và nhận được sự ủng hộ của chính quyền, người dân nên công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn được triển khai rất thuận lợi.
Cụ thể, UBND tỉnh có văn bản gửi Sở Công Thương chỉ đạo việc bàn giao hệ thống điện nông thôn cho ngành điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân; tiếp sau đó là quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bàn giao, tiếp nhận lưới điện nông thôn, có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành điện.
Tính đến 30-6 năm 2010, Điện lực Sơn La đã tiếp nhận và sửa chữa được 258km đường dây hạ áp, 14.978 công tơ điện, 1 trạm biến áp và thực hiện bán điện trực tiếp đến 18.594 hộ sau tiếp nhận. Sau khi triển khai công tác tiếp nhận, PC Sơn La đã tiến hành ký hợp đồng mua bán điện với 100% số hộ, thay 15.836 công tơ mới.
Tỷ lệ tổn thất điện năng trước khi cải tạo là 22,2%, sau khi cải tạo, tỷ lệ tổn thất đã giảm xuống còn 12,5%. Ông Hà Lấp, tiểu khu 1661 xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) cho biết. “Mỗi tháng cả gia đình dùng 40 số điện nên từ khi ngành điện quản lý tiền điện giảm hẳn.
Thiếu vốn cho cải tạo
Ông Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc điện lực huyện Mai Sơn cho biết, trên địa bàn có 21 xã và thị trấn, trong đó có 7 xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, địa bàn còn lại là do ngành điện đầu tư từ trước. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp giai đoạn 1.
Sau khi tiếp nhận, địa bàn huyện đã có thêm hơn 5.000 hộ với 108km đường dây hạ thế. Khối lượng quản lý của toàn huyện là 500km đường dây hạ thế cộng 24.000 hộ. Riêng 7 xã mới tiếp nhận, với 70km đường dây, hơn 20 trạm biến áp phải xây mới và thay thế và nhiều cột điện… Dự kiến kinh phí đầu tư cải tạo toàn bộ khu vực tiếp nhận khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Đây là khoản kinh phí đầu tư lớn, là bài toán rất khó cho ngành điện, vì có nhiều khu vực dù có đầu tư tốt nhưng lượng tiêu thụ của người dân trung bình dưới 50kWh điện một tháng sẽ mất rất nhiều thời gian để thu hồi vốn. “Dân ở đây dùng ít lắm, khu vực trung tâm thì không tới 50 số điện, còn ở trong làng, nhiều hộ dùng cả tháng có 2 - 3 số điện thôi” - anh Nguyễn Văn An ở xã Chiềng Ban, Mai Sơn (Sơn La) nói.
Theo Công ty Điện lực Sơn La, khó khăn nhất trong công tác tiếp nhận lưới điện là việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho tiếp nhận. Mặt khác, khi tiếp nhận tài sản mới, hầu hết không đủ điều kiện an toàn, từ công tơ, dây dẫn đến cột, trạm biến áp… đều xuống cấp cần phải đầu tư lại. Việc huy động vốn để đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp đang là bài toán khó nhất cho công ty hiện này.
Thanh Xuân