Dân Việt

Trách nhiệm

07/02/2011 09:11 GMT+7
(Dân Việt) - Những mặt đường lồi lõm chạy xe nảy tưng tưng làm tung bụi mù mịt ấy, phải chi cứ vậy thì người ta vẫn có thể chịu được. Đàng này cứ vài hôm chỗ này chỗ kia lại sụp xuống một cái lỗ to tướng, xe hơi xe tải lọt ầm ầm, may chưa có em nào chết.

Không gian: Xứ Alibachao, thuộc một hành tinh đâu đó trong vũ trụ.

Thời gian: Năm 3.001.

Ông bực bội ném tờ báo xuống:

- “Hố tử thần”! Đúng là bọn nhà báo quanh năm chuyện bé xé ra to! Vài chiếc xe sụp hố, có ai chết đâu mà hở chút lại “hố tử thần”!

Bất chợt ông ngừng càu nhàu, sực nhớ đã có mấy đứa bé lọt xuống cống chết. Đó cũng là hố, và hố đó thì cũng từ mấy công trình giao thông, cầu cống, chống ngập, thoát nước, bờ kè… làm cả chục năm nay chưa xong. Cả thành phố bị đào bới nát bét, công trình làm xong rút đi để lại những mặt đường tái lập bầy nhầy lồi lõm như trên mặt trăng, có lẽ trên toàn vũ trụ không có dân xứ nào giỏi chịu đựng hơn dân xứ Alibachao này. Chỉ có duy nhất một tay dám đâm đơn kiện. Con kiến mày kiện củ khoai!

img

Những mặt đường lồi lõm chạy xe nảy tưng tưng làm tung bụi mù mịt ấy, phải chi cứ vậy thì người ta vẫn có thể chịu được. Đàng này cứ vài hôm chỗ này chỗ kia lại sụp xuống một cái lỗ to tướng, xe hơi xe tải lọt ầm ầm, may chưa có em nào chết. Còn bọn nhà báo sao lỗ nào ở xó kẹt nào cũng biết, thống kê hàng ngày cứ như thống kê chữ ký đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam! Hôm nay toàn thành phố đã lên đến 2.000 lỗ! Bọn chúng cứ nhứt định “hố tử thần” ra đời là do tái lập mặt đường cẩu thả, rút ruột, đổ toàn cát đất xuống dưới, trời mưa thấm vài hôm là sụm, rõ như ban ngày!

Bữa sáng no ngang và ly cà phê đắng nghét!

Ông điên tiết móc điện thoại ra bấm nhoay nhoáy:

- Ê, đọc báo chưa? Sao chỗ của chú mày hôm nay lại để sụp lỗ nữa vậy?

- Dạ em biết rồi, thưa anh. Em cũng mới tới kiểm tra rồi. Cái đó là do tụi cấp nước. Em tái lập mặt bằng đâu đó ngon lành rồi, nó lại đào lên đặt ống xuống. Làm ăn bầy hầy quá! Anh la tụi nó đi!

Ông lại bấm điện thoại:

- Ê, tụi bây đặt ống nước kiểu gì mà làm sụp mặt đường từa lưa vậy?

- Vụ ở quận Alibate sáng nay báo mới đăng phải không anh?

- Đúng rồi! Tao mới hỏi thằng thoát nước, nó nói tại mày! Nó xong lâu rồi.

- Thằng đó giỏi đổ thừa lắm, có ngày chết với em! Nhưng chuyện này không phải tại nó mà cũng không phải tại em.

- Ê, đừng nói tại trời xui khiến nghe!

- Tại tụi khai thác nước ngầm anh ơi. Em nghiên cứu kỹ rồi! Người ta khai thác nước ngầm nhiều quá. Ở Alibate nước máy yếu lắm, rồi giá nước mắc nữa, người ta phải đào giếng tá lả. Đất ở dưới bộng hết, sụp là phải rồi!

- Ê sao bấy lâu nay không sụp, mà từ khi có vụ đào đường, lô cốt, giờ mới bắt đầu sụp là sao vậy?

- Thì tới thời điểm của nó rồi anh. Ngẫu nhiên mà!

- Ờ ờ…

- Theo em nghĩ chắc anh phải nói với trên cho kinh phí làm dự án nghiên cứu vụ sụp hố hàng loạt này anh ơi.

- Ờ ờ…

- Dạ còn gì nữa không sếp? Em đi làm đây.

- Ờ ờ… Mày phải làm ăn đàng hoàng, có trách nhiệm nghe. Tụi báo chí bây giờ canh me dữ lắm. Hồn ai nấy giữ nghe!

- Cái đó sếp khỏi phải dặn. Em mà làm ăn không có trách nhiệm thì bà bắn em!

Ông đặt điện thoại xuống, thở phào. Tụi nó đứa nào cũng thề là có trách nhiệm. Nó đã thề độc như vậy thì phải tin rồi. Còn ông lại càng đầy đủ trách nhiệm hơn ai hết. Đọc chỉ một cái tin, ông đã bỏ ăn kiểm tra lập tức các cấp trách nhiệm bên dưới. Thằng cấp nước có lẽ nói đúng. Không thể bỗng dưng mặt đường sụp hố hàng loạt. Thành phố hơn 5.000 năm tuổi này già rồi, phải có một dự án khoa học điều tra cho ra lý do tại sao lại xảy ra hiện tượng đó.

Ông sẽ nói các bộ phận tham mưu làm đề xuất nghiêm túc, nếu cần thì cứ mướn chuyên gia nước ngoài. Tiền mình nhiều như quân Alibatau, lo gì? Trước mắt chắc ông phải đích thân đi công du vài nước để tìm hiểu người ta có gặp vấn đề này không, xử lý như thế nào. Bây giờ làm gì cũng phải thật khoa học, bài bản, chứ đâu phải thời chiến tranh du kích nữa!

Điện thoại ông reo vang một bài ca ăn nhậu. Số máy thằng thoát nước. Ông cầm lên:

- Nghe!

- Dạ thưa anh, em quên. Chiều nay mời anh đi dự tiệc tất niên với tụi em.

- Nữa! Bày đặt tiệc tùng tất niên gì! Trên đã dặn…

- Anh yên tâm. Anh em mình biết thôi anh ơi. Em làm gọn nhẹ, kín đáo, vài chiến hữu chí cốt thôi. Tụi mình lên Alibaba, em mới biết chỗ này hay lắm…

oOo

Thoát nước nói chính xác. Điểm nhậu rất êm. Thịt rừng tươi. Rượu trên 30 năm tuổi. Các em dưới 20.

Điện thoại vang lên bài ca đoàn tụ. Số máy nhà. Ông bước ra ngoài phòng lạnh nghe cho an toàn là bạn. Giọng vợ ông hớt hãi:

- Anh ơi ở đâu về gấp! Con thằng Ba tan học đang chờ má nó đón về, chạy chơi đụng vô cửa buồng ATM bị điện giựt bất tỉnh chở vô nhà thương rồi! Anh về ngay đưa em đi thăm! Có anh, bác sĩ làm việc có trách nhiệm hơn!

Ông đứng bật dậy, gào to vào máy:

- Hả, sao tụi điện lực làm ăn vô trách nhiệm vậy?

- Tụi điện lực nói đó là do tụi ngân hàng tự thiết kế, câu điện… - vợ ông mếu máo.

- Rồi tụi ngân hàng nói sao?

- Tụi nó nói là do tụi làm lề đường đào xới lung tung làm mất dây mát…

- Trời ơi! Đổ thừa tùm lum! Không có thằng nào chịu trách nhiệm nữa rồi!

Chiếc Alibatoyo chở ông chạy ào về thành phố. Bảy giờ tối, trời mới tạnh mưa, xe cộ tuôn ra kẹt cứng như cá mòi, nhích từng xăng-ti-mét. Tiếng còi xe chát chúa vang lên vô tội vạ. Khói bung mờ mắt. Sao không thằng nào chịu trách nhiệm về chuyện càng ngày càng kẹt xe này?

Rầm một cái như trời đánh trên đầu ông!

Một nhánh cây to tướng từ trên trời rơi ầm trên mui xe, kéo theo một nùi dây điện, điện thoại, truyền hình cáp… ập xuống che hết mặt kính, nháng lửa chiu chíu. Tài xế hốt hoảng đạp ga lủi tới đụng mạnh vô chiếc xe chạy trước. Đời nào thèm thắt seat belt đố thằng nào dám phạt, cả người ông bung về phía trước, đầu hướng thẳng tới tấm kính. Thoáng suy nghĩ cuối cùng của ông trước khi ngất đi là năm nào cây cối cũng bị ngã gãy tứ tung, sao không có thằng ma nào chịu trách nhiệm… (31-12-2010)

Trích Những câu chuyện ở xứ Alibachao