Ông đặt vấn đề rồi liệt kê vô vàn thành tích của dòng họ: rằng họ ta lớn nhất vùng, từ cụ tổ đến con cháu sau này nhiều người có chức sắc, làm to, giữ nhiều kỷ lục, cả kỷ lục... nhiều vợ, lắm con. Để ghi lại công đức từng người đối với họ hàng, xóm giềng, cần phải có bộ gia phả của họ để lại cho hậu thế.
Một ông tán thưởng nhưng vẫn băn khoăn: các cụ ta xưa ít chữ lại đẻ nhiều, nên chỉ nhớ tuổi con gắn với tên con vật gì là cùng. Lớn lên đi công tác, mỗi lúc khai một kiểu, lúc chưa muốn về hưu khai rút tuổi đi, khi thi đấu thể thao phân theo nhóm tuổi lại đưa tuổi lên cao để được đấu với người già giành thành tích. Rồi có cụ xưa là địa chủ, phong kiến giúp Tây đánh ta, những người vi phạm pháp luật, có lối sống ích kỷ, ganh ghét nhau gây mất đoàn kết... có ghi trung thực không?
- Cần gì trung thực - một người khác lên tiếng - Có ai điều tra đâu mà cần trung thực? Quan điểm là "tốt phô ra xấu xa đậy lại", càng bịa ra nhiều chiến công, con cháu chúng ta càng có cái cớ để ngẩng cao đầu tự hào kiêu hãnh.
- Thống nhất quan điểm tô hồng nhé - ông trưởng họ cắt lời kết luận - Để nhanh hoàn thành gia phả họ ta một cách hoành tráng, có ai dám nhận việc này?
- Đây là việc hệ trọng của cả họ, nên không thể khinh suất, phải tìm người có nghề, có chuyên môn viết... báo cáo. À đây rồi! giao cho ông Trần Hữu Bốc, người nhiều năm làm trợ lý, thư ký cho sếp lớn mới nghỉ hưu, là xong.
Cả họ đảo mắt về phía góc nhà, thấy ông Bốc đang ngồi xếp bằng tròn, miệng cười tủm tỉm. Ông nói: được họ tín nhiệm tôi xin tuân lệnh, nhiều việc khó đến đâu tôi còn làm được huống chi việc này.
Cuộc họp đầu năm mới của họ Trần thành công tốt đẹp. Ai cũng hân hoan hy vọng họ mình có bộ gia phả sáng sủa để lại cho đời sau.
Trần Thanh Quế (Ninh Bình)