Trong lễ đăng quang, hoa hậu Pooja Chopra với đôi mắt nhòa lệ: “Tôi sẽ không đạt được điều này nếu không có sự giúp đỡ của mẹ. Tôi được một bà mẹ độc thân nuôi dạy. Mẹ tôi giúp tôi hoàn thành tất cả những ước mơ của tôi. Đây là vương miện và thành công lớn dành cho bà cũng như cho tôi”.
Bà mẹ độc thân
Hoa hậu thế giới Ấn Độ Pooja Chopra giới thiệu mẹ mình là một “bà mẹ độc thân”, ngoài ý nghĩa hàm ơn mẹ, còn nói lên rằng cô không có cha hay cha cô không dự phần trong vinh quang mà cô được nhận.
Mẹ của cô là bà Neera Chopra, kết hôn với một người đàn ông có địa vị xã hội. Cuộc hôn nhân đầy bất hạnh đối với Neera vì bà gặp một người chồng trăng hoa lại thêm vũ phu, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khi có điều gì không hài lòng về bà. Điều ông không hài lòng nhất là bà không sinh được con trai cho ông ta. Đứa con đầu tiên bà sinh là con gái. Ông chồng tỏ thái độ không hài lòng bằng cách có tình nhân công khai và dùng bạo lực đối với bà.
Như nhiều phụ nữ Ấn Độ cùng hoàn cảnh khác, bà Neera nhẫn nhục, cam chịu, phần vì chữ “chung”, phần vì con thơ và cũng vì khỏi bị đuổi khỏi nhà chồng. Nếu phải rời nhà chồng, bà không biết đi đâu. Gia đình của bà khó khăn. Cha đã mất, nếu trở về nhà, bà sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, chưa kể nỗi nhục vì bị chồng bỏ.
Bà Neera không quản cực khổ, chăm sóc người mẹ chồng mắc bệnh ung thư, chỉ mong mẹ chồng thương tình bênh vực mình trước sự đối xử tàn tệ của chồng. Đối với chồng, bà mềm mỏng chiều chuộng để mong chồng nghĩ đến tình nghĩa mà tha thứ cho bà “tội” không sinh con trai.
Những cố gắng của bà không có kết quả. Bà thường bị chồng hành hung. Người con gái đầu của bà kể lại: “Cha tôi thường đánh đập mẹ tôi. Khi tôi bênh mẹ tôi, ông ta châm thuốc lá đang cháy vào hai bàn tay tôi”. Bàn tay của cô con gái vẫn còn những vết sẹo do bị đốt.
Bà Neera có mang đứa con thứ hai. Khi bào thai trong bụng bà được tám tháng, chồng bà đưa về nhà một phụ nữ khác và tuyên bố sẽ lấy người ấy làm vợ. Buồn bã và tủi thân, bà nghĩ tới chuyện tự tử nhưng lại nghĩ tới đứa bé trong bụng nên không dám làm.
Khổ nỗi, đứa con thứ hai sinh ra lại là con gái. Đó là Pooja Chopra. Trong ba ngày bà Neera nằm bệnh viện, chẳng ai vào thăm chăm sóc, đến nỗi phải nhờ tới một sản phụ nằm gần cho cháu bé sơ sinh quần áo mặc.
Khi Pooja được 20 ngày tuổi, người cha buộc người mẹ chọn một trong hai: Hoặc giết đứa con gái vừa mới sinh hoặc chấm dứt cuộc hôn nhân. Việc giết bào thai gái hay trẻ sơ sinh gái thường xảy ra trong các xã hội có truyền thống trọng nam khinh nữ như ở Ấn Độ. Suy nghĩ kỹ, bà Neera quyết định chọn sự sống của đứa con gái bé bỏng. Bà dẫn hai con rời khỏi nhà chồng. Trước khi đi, bà nói với chồng: “Rồi sẽ có một ngày đứa con gái này mang đến cho tôi niềm tự hào”.
Câu nói trở thành nỗi ám ảnh đối với bà mẹ và cô con gái. Bà mẹ quyết nuôi con nên người, còn cô con gái thì quyết vươn tới thành công để mẹ được hãnh diện về mình. Từ đó, bà Neera không gặp lại chồng. Các con của bà cũng không gặp lại cha. Chồng bà kết hôn với một phụ nữ khác, sinh hai con trai, từ chối trợ cấp cho hai con gái nhỏ.
Gánh nặng con thơ oằn vai người mẹ trẻ
Bà Neera trở về nhà mẹ ruột ở thành phố Mumbai. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Bà có lúc phải nhịn đói để nhường cơm cho con. Không tiền bạc, không nhà cửa, không người thân thích bà Neera bắt đầu những đêm thức trắng, rồi phải gượng dậy kiếm tiền từ việc đóng than bỏ mối cho quán cà phê.
Nhiều lúc bà Neera thấy gánh nặng của mình lớn quá, đến mức có lúc phát sợ. Cũng may bà đội trưởng đội vệ sinh thương tình cảnh của mẹ con bà Neera khó khăn mà nhận vào làm. Lương lúc đó thấp, bà phải gói ghém, tính toán mọi chi tiêu trong nhà. Đau đầu lắm.
Căn phòng trọ 12m2 lọt thỏm trong con hẻm quanh co. 5 giờ sáng, bà đã hâm xong đồ ăn cho hai con. Về nhà, bà lật đật thu dọn nhà cửa, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ…. Đêm nào cũng hơn 12 giờ, bà lại lặng lẽ, một mình với chiếc xe đạp trên những con đường vắng trở về nhà sau một ngày quét rác, giặt đồng phục, tắm rửa rồi ăn cơm cũng đã hơn 1 giờ sáng. Pooja và chị gái thấy mẹ đi làm về liền xuống trò chuyện. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi quý giá trong một ngày để ba mẹ con tỉ tê.
Sau đó, bà xin được việc làm trong một khách sạn và thuê nhà ở riêng. Trước khi đi làm, bà mẹ độc thân trải tấm đệm xuống sàn nhà, đặt hai cốc sữa và ít thức ăn cho hai con, khóa cửa lại, chìa khóa mang gửi hàng xóm.
Đến giờ đi học, hai đứa bé gọi hàng xóm sang mở cửa hộ. Mẹ không có tiền cho con đi xe buýt nên con phải đi bộ tới trường. Hoa hậu Ấn Độ tương lai đi bộ qua bốn trạm xe buýt rồi nhờ người dẫn qua đường. Hai đứa trẻ, đứa lớn trông đứa nhỏ, tự ăn uống, tự học bài khi mẹ đi làm về muộn. Hai chị em thương yêu, nhường nhịn nhau và đều biết an ủi mẹ, khiến bà mẹ vơi nỗi nhọc nhằn.
Cuộc sống của họ thay đổi khi bà Neera kiếm được chỗ làm lương khá hơn. Bà gửi hai con về sống với chị mình để dồn sức làm việc kiếm tiền. Mỗi ngày bà làm việc 16-18 tiếng đồng hồ, không nghỉ cuối tuần. Sau bốn năm, bà đủ tiền mua một căn nhà và tìm được việc làm mới.
Đã có cái ăn để sống, nhưng sống để làm gì? Bà nói với hai con: “Muốn thoát khỏi cái kiếp “lớp nghèo thành thị” như đời mẹ, các con chỉ có sự lựa chọn duy nhất là con đường học vấn, đừng mặc cảm, đừng tủi phận vì các con là con của người mẹ tha phương cầu thực mà hãy nhìn thẳng vào đời mẹ mà quyết tâm làm người tử tế, làm người có học…”.
Cuộc sống đỡ vất vả hơn khi hai cô con gái lớn lên có thể tự lo cho mình và giúp đỡ mẹ. Cô con gái đầu Shubhra vừa làm trong khách sạn vừa đi học. Cô tốt nghiệp thạc sĩ, lấy chồng, có một con gái, gia đình sung túc và hạnh phúc. Cô con gái thứ hai Pooja, học giỏi lại xinh đẹp, là Hoa hậu Ấn Độ.
Bà giãi bày rằng: “Khi có con, tôi mới hiểu được linh cảm của người mẹ tuyệt vời như thế nào. Sinh đứa đầu lòng, trong những giây phút đầu mẹ con gặp nhau, như thầy tử vi, tôi đã đoán được tính cách của con rồi. Và rồi thời gian cho thấy, sự cảm nhận của mình là chính xác. Bé thứ hai cũng không ngoại lệ. Tôi tin hai con của mình sẽ phát triển bình thường vì chúng nhận có sự mạnh mẽ và thấu hiểu của người mẹ truyền qua.
Mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Việc tôi làm cũng chỉ là mình bước đi để trở về trọn vẹn hơn. Tôi đi làm cũng để một ngày không xa, khi mở mắt dậy, tôi được lo cho con bằng chính đôi tay của mình, mà không phải vướng bận mưu toan cuộc sống hay băn khoăn, trắc ẩn trong lòng”.
Khi tiếp xúc với báo chí, bà Neera nói rõ bà mong những người phụ nữ trẻ lâm vào hoàn cảnh của bà trước đây đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tự tử. Bà muốn góp phần vào cuộc vận động chống lại tội ác giết trẻ sơ sinh gái. Riêng với người chồng cũ, bà cho biết không hề oán hận và có ý trả thù.
Lời cảm ơn dành cho mẹ
Hoa hậu thế giới Ấn Độ Pooja Chopra sinh năm 1985, cư ngụ tại Pune (bang Maharashtra), là một người mẫu. Cô từng xuất hiện trong một số phim quảng cáo. Trong quá trình dự thi Hoa hậu Ấn Độ 2009, cô chứng tỏ mình là một thí sinh tài năng, đầy triển vọng, được trao các giải hoa hậu có nụ cười đẹp và hoa hậu có thân hình đẹp.
Vào vòng chung kết, Pooja đã hoàn toàn thuyết phục được ban giám khảo và khán giả trong phần thi ứng xử. Câu hỏi chung cho các thí sinh như sau: “Nếu gặp Thượng đế, bạn sẽ hỏi ngài điều gì và tại sao?”. Pooja trả lời cô sẽ hỏi Thượng đế tại sao một số trẻ em bị tước đoạt mất tình yêu của mẹ. Cô cũng dẫn một câu thường được nhắc đến nhân ngày của mẹ: “Thượng đế không thể có mặt khắp mọi nơi nên ngài đã tạo ra các bà mẹ”.
Pooja được tôn vinh làm Hoa hậu thế giới Ấn Độ cùng với hai hoa hậu khác là Hoa hậu hoàn vũ Ấn Độ 2009 Ekta Chaudhary và Hoa hậu trái đất Ấn Độ 2009 Shriya Kishore. Cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ hàng năm không có á hậu 1 và á hậu 2. Cả ba thí sinh đều được gọi là hoa hậu và phân biệt bằng danh hiệu Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ và Hoa hậu trái đất. Người được danh hiệu nào sẽ được cử tham dự kỳ khi hoa hậu quốc tế mang tên tương ứng.
Trong lễ đăng quang, Pooja đã nói những lời rất xúc động về tình mẫu tử. Với đôi mắt nhòa lệ, Pooja nói về mẹ của mình: “Tôi sẽ không đạt được điều này nếu không có sự giúp đỡ của mẹ. Tôi được một bà mẹ độc thân nuôi dạy. Mẹ tôi giúp tôi hoàn thành tất cả những ước mơ của tôi. Đây là vương miện và thành công lớn dành cho bà cũng như cho tôi”.
Pooja nhớ mãi ngày mẹ chở bao sáp từ chợ về nhà để làm nến, bị ngã xe đầu gối trầy hết trơn… Lúc ấy lòng Pooja quặn thắt. Mẹ lúc nào cũng chỉ nói một câu: “Ngày nào mẹ còn sống, mẹ còn có thể cho con đến trường. Mẹ chỉ mong con trở thành người hữu ích, không ăn bám xã hội, cuộc đời con được bình yên”.
Với mẹ, chỉ có một con đường đó thôi, mẹ sẵn sàng dẹp bỏ mọi thứ của riêng mình. Mẹ đã dạy em bài học về khả năng vượt lên hoàn cảnh, không bao giờ thấy khó khăn mà chùn bước… Ngày xưa, khi mẹ sinh Pooja ra, cha bỏ đi với người khác, đôi khi Pooja nghĩ tại sao cuộc đời lại bất công như thế với mẹ, một người mẹ hiền, hết lòng vì con cái mà phải lưu lạc làm đủ nghề kiếm sống…
Báo chí Ấn Độ gọi Neera là bà mẹ Ấn Độ. Các nhà làm phim Ấn Độ đang xúc tiến dựng câu chuyện của bà thành phim.