Dân Việt

Trời không phụ công người ham học

02/02/2011 07:51 GMT+7
(Dân Việt) - Từ một gia đình nghèo với mức thu nhập chưa đến 200.000 đồng/tháng, nhờ học nghề chăn nuôi dê mà ông Bùi Văn Minh (xóm Mét, xã Kỳ Phú, Nho Quan, Ninh Bình) đã thoát nghèo và có của ăn của để.

Cái nghèo truyền đời

Sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 9 người con, ông Bùi Văn Minh và các anh chị em của mình đã sớm bỏ học kiếm ăn. Chăm chỉ làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo chẳng chịu buông tha cho gia đình ông.

Ông Bùi Văn Minh tâm sự: "Ông bà nhà tôi sinh được 9 người con, làm chỉ đủ lo ăn, lo mặc cho mấy anh em tôi cũng là giỏi lắm rồi. Đến đời tôi, tôi còn có đến 10 mặt con. Hai vợ chồng lo ăn cho 10 cái tàu há mồm, chỉ có ngô, khoai, sắn… ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện cho chúng học hành nữa".

img Ông Bùi Văn Minh là một người có nghị lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ một hộ có thu nhập chưa đến 200.000 đồng/ tháng, nay ông Minh đã trở thành một trong những gia đình khá giả ở xóm Mét. Nhờ có những người như ông Minh mà công tác dạy nghề diễn ra có hiệu quả hơn. img

Bà Bùi Mai Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Bình

Đến bây giờ, khi đã có của ăn của để, ông Bùi Văn Minh vẫn không thể tin những gì mình đang có ngày hôm nay là sự thật. Tất cả là từ một lớp học nghề. Tâm sự với chúng tôi, ông Minh bày tỏ: "Nhà tôi đã nuôi dê từ trước năm 2006, nhưng lúc đó tôi có biết nuôi dê là thế nào đâu.

Năm 2006, khi tôi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, được cấp cho 3 con dê, được vay 6 triệu đồng để phát triển kinh tế nhưng quả thực lúc đó tôi cũng chưa biết cách vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất sao cho có hiệu quả".

Để có được thành công như ngày hôm nay, với ông là không hề đơn giản. Sau khi tham gia lớp học, ông càng "khát" kiến thức. Mỗi khi nghe tin ở đâu có mô hình nuôi dê đạt hiệu quả cao là ông Minh lại khăn gói lên đến tận nơi để tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm để về phát triển mô hình nuôi của mình. Ông Minh tâm sự: "6 triệu đồng là một số tiền lớn với gia đình 12 người của tôi lúc đó.

Có thể nói đấy là số tiền nhiều nhất mà tôi từng cầm. Sau một thời gian suy nghĩ tôi quyết định mua thêm dê, đầu tư sửa sang chuồng trại, đến các trang trại khác để học hỏi kinh nghiệm nuôi dê của họ để áp dụng vào trang trại của mình. Cũng may, ông trời không phụ những người có tâm. Giờ đây, lúc nào trong chuồng nhà tôi cũng có 30 con dê, mỗi năm thu hoạch từ dê gia đình tôi cũng thu về 50-60 triệu đồng".

Hiện tại dù mới chỉ đủ ăn nhưng ông Minh tính "đầu tư" xa hơn là lo cho con cái học hành. Ông Minh phấn khởi nói: "Giờ tôi mới hiểu, không có kiến thức thì làm cái gì cũng khó vô cùng. Bây giờ làm được đồng nào tôi dành hết cho con cái đi học. Con tôi có 2 đứa đang đi học: Một đứa học Trung cấp Dược, một đứa đang học cấp 3. Hy vọng chúng nó sẽ không phải khổ như ông bà, bố mẹ".

Ông Đinh Hồng Giang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phú, cho biết: "Trường hợp của gia đình ông Bùi Văn Minh là một trong những trường hợp đặc biệt của xã. Đặc biệt ở chỗ, đó là một trong những gia đình khó khăn nhất nhất xã và giờ đã có thu nhập khá trong xã".

Người thầy không bằng cấp

Với những người dân thôn Mét, ông Bùi Văn Minh không chỉ là một người giỏi làm kinh tế mà ông còn như là một người thầy, một người bạn sẵn sàng chia sẻ với họ những kinh nghiệm trong sản xuất. Ông Bùi Văn Thịnh, người cùng thôn cho biết: "Nhiều nhà trong xã cũng chăn nuôi dê nhưng chẳng mấy ai biết về dê, hiểu được bệnh của dê.

Khi dê bị bệnh thì tất cả mọi người trong xã đều chạy đến nhờ thầy Minh đến thăm bệnh và chỉ cho cách chữa bệnh mà không lấy một đồng tiền công nào cả. Nhờ có thầy Minh mà đàn dê của xã phát triển nhanh".

Ông Bùi Văn Minh tâm sự: "Nhờ được học hành mà tôi biết bí quyết chăn nuôi, tôi nguyện sẽ đem những kiến thức mà mình đã học, đã biết để truyền lại cho bà con trong xã. Hy vọng họ sẽ sớm thoát nghèo, để có điều kiện chăm lo việc học hành của con cái".