1 ngày đi hơn 1.000km
"Đó là số km mà thành viên các Tổ công tác triển khai Đề án 1956 thường xuyên phải đi khi triển khai các mô hình điểm dạy nghề cho lao động nông thôn", ông Hà Minh Phương -quyền Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Tổng cục Dạy nghề) chia sẻ.
Để triển khai thí điểm các mô hình "đặt hàng" dạy nghề, trong năm 2010, Tổng cục Dạy nghề tổ chức các Tổ công tác đi các vùng kinh tế trong cả nước. Các tổ công tác hầu hết phải đi "xuyên" các tỉnh trong 1-2 ngày. Ông Phương kể, có đợt tổ công tác đi triển khai thực hiện thí điểm dạy nghề tại các tỉnh miền núi phía Bắc, một ngày, đoàn đi 3 tỉnh: Sơn La, Lai Châu rồi hôm sau vòng sang Lào Cai. Tính đoạn đường đi trung bình lên tới cả ngàn km/ngày.
Vì triển khai thí điểm, Tổng cục Dạy nghề thẩm định và ký kết hợp đồng dạy nghề nên thành viên các tổ công tác phải xuống tận các thôn xã nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Dương Đức Lân -Phó Tổng cục trưởng cho biết, trong chuyến đi triển khai Đề án ở ĐBSCL, đoàn công tác đã phải làm "trọng tài" cho một buổi họp… thôn ở Kiên Giang để lắng nghe ý kiến người dân về nhu cầu học nghề. Sau đó, đoàn đã thống nhất đồng ý địa phương tổ chức dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, máy sục khí tôm bởi đây là kỹ năng mà bà con vùng nuôi tôm cần nhất. Trong chuyến này, một ngày ông cũng phải đi 500-600km để đến với bà con.
Nối dài bước chân tuyên truyền
Trong năm 2010, T.Ư Hội Nông dân VN phát hành bộ cẩm nang tuyên truyền về Đề án 1956. Trước và sau bước chuẩn bị này, Trường Trung cấp nghề của Hội cũng đã tổ chức 63 lớp tuyên truyền cho các tuyên truyền viên là cán bộ Hội ND cấp tỉnh và cả các doanh nghiệp. Hiện tại, các tuyên truyền viên nòng cốt đã và đang triển khai hoạt động của mình ở cơ sở, và như vậy, bước chân tuyên truyền đã thực sự được nối dài tới người dân.
Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng phòng Dạy nghề cho hay: "Để người dân hiểu sâu về đề án, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Hiện tại, Trường đã tập huấn cho hơn 5.000 tuyên truyền viên, dự kiến số này tiếp tục đào tạo lại hàng chục vạn tuyên truyền viên tại cơ sở". Đi, đi và đi cũng là điệp khúc mà cán bộ của Trường Trung cấp nghề - Hội Nông dân VN phải "đánh nhịp".
Cán bộ như bà Thanh Hương, thân nữ nhi cũng phải đi tới… 18 tỉnh thành trong vòng 6 tháng. Các lớp tuyên truyền mở ở nhiều tỉnh thành, trong đó mới nhất là triển khai tại 2 tỉnh Điện Biên, Bắc Giang. Các lớp này đã do cán bộ nòng cốt của tỉnh Hội tập huấn nhưng vẫn có sự định hướng của T.Ư Hội. Vì vậy, từ Phó Chủ tịch Hội NDVN Lều Vũ Điều tới các cán bộ của Trường Trung cấp nghề trực thuộc Hội NNDVN đều phải bám sát cơ sở để công tác tuyên truyền đúng hướng.
Không để chính sách bị "ách" lại
Hoạt động dạy nghề ND được tất cả các cơ quan nhà nước như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam… khẩn trương triển khai trong năm 2010. Trong năm, Ban chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện Đề án đã liên tục tổ chức các cuộc họp giao ban vùng, tổ chức các cuộc ký kết đào tạo nghề có địa chỉ. Bên cạnh đó, tại các cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng lắng nghe thảo luận của các tỉnh về thay đổi cơ chế cho phù hợp với thực tế khi thực hiện Đề án 1956. Trong năm qua, Liên bộ đã ban hành Thông tư 112 hướng dẫn về tài chính thực hiện Đề án; ban hành các chuẩn nghề; bước đầu hoàn thiện chính sách cấp Thẻ học nghề.
Huyền Thanh