1. Cho bé bú mẹ
Khi cho bé tu ti, mẹ không chỉ nuôi dưỡng bé về mặt thể chất mà còn đem đến cho bé một nguồn an ủi lớn về tinh thần. Dòng sữa ngọt ngào và cả mùi vị thân quen của cơ thể người mẹ chính là liều thuốc an thần tuyệt hảo có thể xua tan mọi sự bất an ở bé. Tiếp cận với mẹ, mà cụ thể là bầu ngực mẹ, còn đem lại cho bé niềm tin đầu tiên vào thế giới an lành xung quanh.
2. Bế ẵm bé
Bế ẵm bé sơ sinh không đơn thuần là đem thêm hơi ấm, mà thực sự cần cho sự phát triển của não bộ cũng như các cơ quan khác trong cơ thể bé. Bế ẵm còn là liệu pháp tốt khi bé bị đau bụng, khó ngủ hay đang xúc động. Bởi vậy đừng quên bế ẵm bé mỗi khi có thể.
3. Hát ru bé ngủ
Lời ru không chỉ giúp bé phát triển thính giác mà còn có tác dụng cân bằng hệ thần kinh của bé. Ngoài ra, khi hát ru bản thân người mẹ cũng cảm thấy được thư thái hơn.
4. Ngủ chung với bé
Sự hiện diện của mẹ đem lại cho bé cảm giác an toàn trong giấc ngủ. Nhờ thế hơi thở của bé được bình ổn và đây chính là yếu tố giúp phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Ngủ cùng nhau, bé còn có nhiều cơ hội để ti mẹ về đêm, đảm bảo được cung cấp lượng đường lacto đầy đủ và cân nặng sẽ tăng đều.
5. Dỗ ngay khi bé khóc
Chỉ cần thấy bé có “triệu chứng” muốn khóc như mếu máo, nhăn nhó, ọ ẹ khó chịu…, mẹ nên kịp thời dỗ dành ngay để bé sớm bình tâm. Đừng bao giờ thi gan với những cơn khóc của con nhằm mục đích rèn rũa, sẽ gây tổn hại hệ thần kinh của bé.
6. Kịp thời thay tã lót
Khi bé tiểu tiện hay đại tiện, cần nhanh chóng rửa sạch, lau khô, thay đồ mới để bé sớm thoát khỏi cảm giác ướt át khó chịu.
7. Quấn tã cho bé
Được quấn gọn gàng, chặt chẽ trong tã, bé sẽ đỡ đi cảm giác chơi vơi, chống chếnh trong không gian mới (khác hẳn không gian ấm cúng mà bé đã quen trong bụng mẹ). Nhờ đó bé sẽ yên tâm hơn và cũng đỡ bị giật mình khi ngủ.