Dân Việt

Hải Phòng: “Dịch” vỡ nợ tràn về nông thôn

09/06/2011 18:11 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy tháng qua, tình trạng vỡ nợ liên tục xảy ra ở các huyện ngoại thành ở Hải Phòng. Điển hình là vụ lừa đảo của vợ chồng Quyến - Hiền ở xã Lê Lợi, huyện An Dương.

Từ gần 1 tháng nay, cả xã Lê Lợi (huyện An Dương) bỗng dưng nháo nhác lên khi phát hiện vợ chồng Ngô Đức Quyến (SN 1978) và Trần Thị Hiền (SN 1969) ở thôn Lương Quy bỗng dưng mất tích, mang theo số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng…

img
Những người dân bị lừa mất tiền ở xã Lê Lợi (Hải Phòng).

Giữa cái nắng hè gay gắt của ngày đầu tháng 6, khi biết có nhà báo đến tìm hiểu về vay nợ của vợ chồng Quyến – Hiền thì rất nhiều người dân kéo đến trình bày. Nhiều người còn chưa tin được, tại sao một người tàn tật, phải sống bằng trợ cấp của nhà nước lại có thể vay của nhiều người với số tiền lên đến 4 - 5 tỷ đồng.

Theo người dân xã Lê Lợi, Quyến là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em trai, bố đã chết cách đây mấy năm và hiện hắn đang sống cùng mẹ. Ngay từ khi mới sinh ra Quyến đã bị liệt 2 chân nên mọi sự di chuyển của Quyến đều phải nhờ vào chiếc xe lăn. Hàng tháng mọi chi phí của Quyến trông chờ vào tiền trợ cấp của nhà nước cho người tàn tật.

Đầu năm 2010, trong số anh em Quyến xảy ra chuyện làm ăn thua lỗ. Lúc này bà Nguyễn Thị Thiềm – mẹ của Quyến - đang bị ốm nằm viện nên đã ủy quyền cho 3 anh em Quyến đứng ra thế chấp 1 nửa diện tích đất đang ở bằng hơn 800m2 được 1 tỷ đồng với lãi suất cao để lấy tiền trả nợ…

Tuy nhiên, cũng từ sau khi thế chấp một nửa đất của gia đình, thỉnh thoảng hàng xóm lại thấy vợ chồng Quyến – Hiền đi hỏi vay tiền, người thì vài triệu, người thì vài chục triệu, thậm chí có người cho vay đến vài trăm triệu đồng.

Cụ Phạm Thị Ri, 90 tuổi, ở xóm Giữa, thôn Lương Quy, xã Lê Lợi xót xa cho biết, ở tuổi gần đất xa trời đã chắt bóp mua được mấy chỉ vàng để trong nhà phòng khi ốm đau có tiền thuốc men… Đến đầu năm 2010, vợ chồng Quyến sang nhà cụ năn nỉ rằng đang phải nuôi đàn lợn, đàn ngan còn hơn 1 tháng nữa là xuất chuồng nên muốn vay một số tiền để mua thức ăn chăn nuôi, khi nào bán lợn, bán ngan sẽ trả cả gốc và lãi.

Cụ Ri dốc túi lấy 3 chỉ vàng và còn vay hộ thêm 10 triệu cho vợ chồng Quyến… Thế nhưng, đến hẹn, đàn lợn, đàn ngan đã bán sạch mà tiền vợ chồng Quyến vẫn chẳng chịu trả đến 1 đồng lãi chứ chưa nói gì đến gốc.

Trong số hàng chục chủ nợ “đáng thương” của Quyến thì có bà Nguyễn Thị Hợp, 53 tuổi, cũng là hàng xóm với nhà Quyến. Cách đây 6 tháng, vợ chồng Quyến sang gặp bà Hợp rủ rỉ rằng đang cần một khoản tiền để làm ăn trong khi giấy tờ nhà đất của bà Hợp cứ để trong nhà không thể đẻ ra được một đồng xu nào. Vì vậy, vợ chồng Quyến vẽ đường cho bà Hợp mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp rồi cho Quyến vay lại, mỗi tháng ngồi không bà Hợp sẽ dôi ra được mấy triệu thêm thắt việc chi tiêu gia đình.

Ngay sau đó, Quyến đưa bà Hợp đến một cơ sở cầm đồ ở xã Tân Tiến, huyện An Dương làm hợp đồng thế chấp sổ đỏ lấy 300 triệu đồng, cầm tiền trong tay Quyến cắt luôn 5 triệu lãi suất trả cho bà Hợp. Đầu tháng 4 vừa qua, bà Hợp choáng váng khi một người đàn ông đến nhà tự xưng là trước đó đã ký kết thỏa thuận thế chấp sổ đỏ để vay tiền yêu cầu bà Hợp phải thanh toán số tiền 920 triệu đồng. Nếu không thanh toán được bà Hợp phải ra khỏi nhà vì ngôi nhà này hiện đã đứng tên chủ mới...

Theo một cán bộ xã Lê Lợi, thủ đoạn của các con nợ là huy động vốn với lãi suất trên trời rồi ôm tiền cao chạy xa bay. Nạn nhân của các vụ lừa đảo thường là những người nhẹ dạ, cả tin, thậm chí có cả máu tham tiền.

Theo đơn tố cáo của ông Đỗ Văn Thái, 52 tuổi, ở thôn Lương Quy, xã Lê Lợi thì đến tháng 3.2011, bà Thiềm cùng anh em Quyến lên tiếng rao 300m2 đất mặt đường với giá 990 triệu đồng. Theo đó, ông Thái đã đặt cọc số tiền 500 triệu đồng và hẹn sau đó sẽ làm thủ tục chuyển nhượng và sang tên.

Tuy nhiên, đến ngày hẹn làm thủ tục thì bà Thiềm và Quyến cho biết sổ đỏ đã đem thế chấp nên hẹn ông Thái sau đó sẽ chuộc về và hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó họ đã bỏ trốn…

Thực tế, theo Trưởng Công an xã Lê Lợi Nguyễn Đình Bảo, diện tích đất hơn 800m2 mà anh em Quyến được bà Thiềm ủy quyền đem thế chấp cho đến cuối năm 2010 đã chính thức chuyển nhượng và mang tên chủ mới. Ông Bảo cũng xác nhận hiện tại bà Thiềm và vợ chồng Quyến không có mặt tại địa phương.