ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình), nói: “Chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra là 7%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng có thể không dưới 8%. Như vậy, chắc chắn cuộc sống người dân không thể được nâng cao mấy. Mà đa số nhân dân nước ta sống ở khu vực nông thôn, khu vực không kinh doanh buôn bán và rất đông cán bộ, công nhân viên chức ăn lương… Thu nhập của họ không tăng kịp 7-8% mỗi năm thì cuộc sống họ sẽ ra sao?”.
Diêm dân trên đồng muối Bạch Long (Giao Thuỷ, Nam Định) |
Nhiều đại biểu cùng đồng tình cho rằng, Chính phủ cần cụ thể hóa các chỉ tiêu tăng trưởng với chỉ tiêu cải thiện mức sống người dân, để các nhóm dân cư nông thôn – thành thị được thụ hưởng chất lượng tăng trưởng một cách bình đẳng nhất.
Cũng quan tâm đến chất lượng cuộc sống, nhưng ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ người nghèo vùng núi chênh lệch hơn 70-80% so với khu vực đô thị. “Cử tri ai cũng tâm tư: Bao giờ bà con miền núi mới tiến kịp miền xuôi? Chính phủ cần đánh giá toàn diện những chương trình đầu tư cho miền núi và vùng sâu, hải đảo, để tránh đầu tư dàn trải và xé lẻ, giảm nguồn lực, kém hiệu quả… Cần ban hành danh mục ưu đãi và thời gian triển khai cụ thể, tránh chồng chéo”.
ĐB Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa), bức xúc: Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã qua hơn 35 năm, nhưng hàng chục vạn gia đình, hàng chục vạn cựu TNXP chưa được hưởng chế độ gì; hàng vạn người có công vẫn đang ngồi chờ đợi chính sách… “Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách người có công. Đồng thời, đề nghị truy cứu trách nhiệm các cơ quan chức năng và các cá nhân vì sao để kéo dài tình trạng như vậy?” - ĐB Liên đề nghị.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế), đưa ra vấn đề rất nhức nhối: Công nhân làm cực nhọc hơn 10 giờ/ngày; 4 - 5 người ở nhà trọ chỉ 10m2, không ti vi sách báo, sống thiếu thốn đủ bề nghèo nàn… Trong khi đó hiện các doanh nghiệp nợ gần 2.000 tỷ đồng BHXH. Nếu các doanh nghiệp này có cấn đề và đóng cửa, bao nhiêu công nhân sẽ không được trợ cấp khi mất việc làm?”.
Quốc Huy