Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng: Gần đây, phong trào xây dựng cảng biển ở các địa phương trở nên rầm rộ đến mức trở thành “hội chứng” với gần 100 cảng biển xây dựng mới. Đây là tư duy lợi ích dự án cục bộ thay vì mục tiêu phát triển lành mạnh có tầm nhìn xa.
Cần đầu tư cho ngư dân có thể “hùng dũng” ra khơi - ảnh chụp tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. |
Ông Nguyễn Chu Hồi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN cũng đồng ý quan điểm này: Nước ta đang phát triển kinh tế biển trong bối cảnh tụt hậu về công nghệ, chậm về thời gian. Chúng ta đang ra khơi bằng “hạm đội thuyền thúng”, các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển còn nhỏ giọt và mang tính “thời vụ” nên chỉ có thể “quay lưng ra biển” để đánh bắt gần bờ.
Ông Võ Đại Lược – Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng: Quy hoạch để phát triển kinh tế biển của chúng ta rất kém, nếu không sớm khắc phục thì không thể bàn đến chuyện phát triển.
Theo ông Trần Đình Thiên, trước mắt VN cần tập trung phát triển lực lượng hàng hải viễn dương; tăng cường và xác lập các tuyến bay qua các hành lang biển; tập trung mạnh cho chủ quyền dân sự, kinh tế, văn hóa tại các đảo thuộc chủ quyền; phát triển nhanh và mạnh du lịch biển đảo với tư cách là hiện diện chủ quyền được thừa nhận quốc tế; hình thành một số dự án nghiên cứu, khai thác kinh tế biển ở vùng biển xa; phát triển mạnh đô thị biển, cảng biển lớn, khu kinh tế mở…
Bàn về vấn đề tranh chấp trên biển Đông, ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cần phải phân biệt giữa vùng tranh chấp và vùng chồng lấn. Nếu tranh chấp thì phải căn cứ Công ước thế giới về Luật Biển để xác định tranh chấp.Hiện nay có những nước vẽ vào mũi chân của ta mà nói là tranh chấp sao được. Ngư dân và các ngành kinh tế của VN vẫn đang tiến hành hoạt động có tính chất truyền thống ở trong vùng biển tài phán và quyền tài phán của VN mà vẫn bị Trung Quốc gây hấn.
Vì vậy, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn, bài bản hơn cho ngư dân, rồi tổ chức lại lực lượng để có thể “hùng dũng” ra biển. Phải có các mô hình mạnh hơn như kết hợp giữa quân và dân, dân và quân vừa để ngư dân hoạt động tốt, vừa bảo vệ tốt chủ quyền đất nước.
Trước đây, chúng ta đã quá tin tưởng vào tình hình an toàn ở biển Đông nên chưa chú trọng đến vấn đề này. Nhưng ở bối cảnh hiện nay, chúng ta phải tăng cường bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, bảo vệ quyền được sản xuất trong vùng biển quốc gia.
Mai Khuê