Dân Việt

Phải vi hành mới nghe lời nói thật của dân

19/10/2012 07:42 GMT+7
(Dân Việt) - Phóng viên NTNN trao đổi với nhà báo Đinh Phong - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, 52 năm tuổi Đảng, về Hội nghị T.Ư 6 vừa kết thúc.

Bắt đầu được triển khai bằng Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4, bước đầu Đảng ta công bố kết quả kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị T.Ư 6, ông có cảm thấy hài lòng với kết quả này?

- Tôi cho rằng việc Bộ Chính trị tự đề xuất hình thức kỷ luật với tập thể và một ủy viên Bộ Chính trị là một sự nghiêm túc, dũng cảm. Bởi, đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt trong nội bộ. Không phải vì thế mà Đảng suy yếu đi, trái lại toàn Đảng, toàn dân lại đoàn kết hơn. Vì có đấu tranh gay gắt, thẳng thắn với nhau để khắc phục những yếu kém trong Đảng thì mới đáng hoan nghênh và đáng quý.

img
Nhà báo Đinh Phong.

Còn chuyện BCH T.Ư không kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một ủy viên Bộ Chính trị không thể coi đó là công thức ở tỉnh, thành ủy mà cấp dưới vẫn phải nghiêm khắc kiểm điểm, công khai hình thức kỷ luật hoặc thậm chí đưa ra tòa những đảng viên vi phạm chứ không thể lấy ý kiến ban chấp hành tỉnh, thành ủy rồi không làm gì cả. Có như vậy thì nhân dân, đảng viên mới đồng tình.

Theo ông, chúng ta cần làm gì để chấn chỉnh việc các trang mạng, blog cá nhân tung tin đồn thất thiệt, hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin sai trái, xuyên tạc về Đảng, Nhà nước trên Internet như thời gian qua?

- Tình trạng để lũng đoạn thông tin xấu trên Internet như thời gian qua, theo tôi lỗi một phần cũng ở các ban, ngành có chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, cung cấp thông tin của Đảng và Nhà nước. Giặc đánh chúng ta bằng súng, chúng ta còn đỡ được, tại sao “đánh” bằng mạng lại không đỡ được? Có chuyện này là do có những cán bộ, đảng viên, nhân dân chúng ta có những vấn đề không đồng tình nhưng không được đối thoại, giải quyết thấu đáo nên buộc họ phải lên mạng để nói ra suy nghĩ của mình.

Vì không có chỗ để nói nên mới có chuyện phát biểu trên mạng, khiến kẻ xấu “ăn theo”, xuyên tạc bằng những quan điểm sai lệch. Tôi nghĩ, nếu tổ chức đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cởi mở thì sẽ không có chuyện dân đưa lên mạng để kẻ xấu lợi dụng. Thậm chí, qua đối thoại, nếu thấy có khuyết điểm thì nhận ngay để dân tin. Được thế thì lấy gì cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, bịa đặt?

Điều ông nói cũng phù hợp với biện pháp đưa ra trong kết luận Hội nghị T.Ư 6 là xây dựng chế độ thường kỳ gặp gỡ các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao; chủ động gặp gỡ trao đổi để vận động, thuyết phục những người có quan điểm khác với quan điểm của Đảng, kể cả những quan điểm sai trái?

- Tôi cho rằng đó là việc tốt nhưng chưa đủ. Bởi, không chỉ lắng nghe các nguyên lãnh đạo cấp cao mà cần phải nghe thêm cả dân nữa. Thậm chí, phải đi bí mật, vi hành, không rầm rộ thì mới nghe được những lời nói thật của dân. Chứ cứ đi rầm rộ, tiền hô hậu ủng như hiện nay thì mấy ai dám nói. Thậm chí, cần phải quy định chế độ vi hành cho từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phải đi thật sự gọn nhẹ, bí mật thì mới nghe dân nói thật. Có vậy mới giải quyết được những bất hợp lý kịp thời.

“Cần phải quy định chế độ vi hành cho từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phải đi thật sự gọn nhẹ, bí mật thì mới nghe dân nói thật”.

Kết luận của Hội nghị T.Ư 6 cũng thẳng thắn chỉ ra, trong công tác chuẩn bị nhân sự vẫn còn một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…) và đề bạt con một số cán bộ lãnh đạo không dựa trên năng lực, trình độ, gây bức xúc dư luận… Ông nghĩ sao?

- Điều đó chứng tỏ chúng ta có tiêu chuẩn mà không thực hiện đúng. Chính bởi lựa chọn không đúng, chuẩn bị không tốt nhân sự dựa trên năng lực, trình độ và quá trình rèn luyện, thành ra có người còn không đủ uy tín khi bầu ở BCH tỉnh ủy, thành ủy nhưng vẫn trúng vào BCH T.Ư. Theo tôi, BCH T.Ư phải sòng phẳng hơn nữa khi nhận khuyết điểm về việc này. Phải sửa sai để Đại hội Đảng lần thứ XII chọn ra đúng người có năng lực, đạo đức.

- Xin cảm ơn ông!