Lãnh đạo đoàn - một chàng trai là kỹ sư Tin học vui mừng cho hay, đoàn đã mang được, không chỉ tấm lòng, mà còn nhiều vật phẩm thiết yếu và tiền bạc tới trợ giúp trực tiếp cho bà con vùng lũ. “Chúng em không chờ nước rút mới tới dân, mà cứ lội nước băng đồng tới nhiều xã mới thoát vòng cô lập.
Xúc động lắm, nhưng nhiều khi cũng… bức xúc lắm!”. Xúc động thì đúng rồi, nhưng có gì mà bức xúc nhỉ?”. Anh chàng kỹ sư nói: “Cứ gặp được dân, đưa được chút gì cứu trợ cho dân trong lúc khốn khó là xúc động.
Gặp những xã mà những người lãnh đạo ở đó hợp tác nhiệt tình với mình để cứu trợ cho dân là xúc động. Nhưng cũng rất bức xúc, khi tới những xã mà lãnh đạo ở đó tỏ ra bất hợp tác hoặc “lạnh như… nước lụt”, khi đoàn cứu trợ bày tỏ nguyện vọng muốn đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân”. “Vì sao như vậy?”.
Cơ sự có lẽ vì những “ông xã” ở đó chỉ muốn đoàn cứu trợ bàn giao trực tiếp tiền và hàng cứu trợ cho họ nhận, rồi… về. Tự họ sẽ phân phối lại cho dân”. Chàng kỹ sư vẻ mặt buồn buồn: “Không phải chúng em trực tiếp đưa hàng cứu trợ tới tay người dân để lấy… thành tích hay gì đâu!
Chúng em chỉ muốn hàng và tiền đến tay người bị nạn nhanh nhất thôi. Nhưng chúng em biết, ở những xã mà người lãnh đạo “lạnh” như vậy, thì họ chỉ muốn chúng em bàn giao tiền và hàng cho họ, sau đó họ muốn cứu trợ ai thì cứu, cho ai thì cho.
Cũng không loại trừ khả năng họ… tự cứu trợ cho chính mình, mặc kệ đồng bào, bà con mình đang khốn khó khắc khoải chờ từng món hàng cứu trợ. Chúng em không bức xúc sao được!”
Chuyện của người đi cứu trợ ấy là chuyện có thật. Chuyện ăn bớt tiền cứu trợ, phân phối hàng cứu trợ một cách tùy tiện và không đúng đối tượng là chuyện vẫn xảy ra “thường ngày ở xã” mỗi mùa bão lụt.
Thậm chí, có xã người ta còn thu bớt tiền đã cứu trợ cho dân để… xây cổng chào văn hoá (?!), với câu nói rất lạnh lùng: “Không thu lúc này thì thu vào lúc nào nữa!”.
Làm sao để “làm nóng” cái “lạnh sau lũ” này, thật không phải chuyện dễ dàng. Và đó không hề là chuyện nhỏ.
Thanh Thảo