Có lẽ, ông là con người kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp, bởi lẽ, cái học hàm, học vị nổi tiếng của ông trong trường ĐHNNHN1 lại gắn với cái “danh phận” nghiên cứu về mèo – loài vật mà hễ nhắc đến, người ta thường nghĩ ngay đến món tiểu hổ đầy… “xôi thịt” chứ chưa nói tới việc bỏ thời gian công sức để chăm chút, nhân giống, nghiên cứu… mèo. Đằng này, ông còn tổ chức hẳn một cuộc thi… hoa hậu mèo để “cổ súy” những hữu ích của chúng cho đông đảo bà con nông dân…
Ông là Nguyễn Văn Thanh – PGS.TS, Trưởng Bộ môn thú y trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội. 30 năm đảm nhiệm chức vụ làm giảng viên, nghiên cứu các loại bệnh của vật nuôi gắn bó trong cuộc sống thường kỳ của người dân Việt Nam, nhất là bà con nông dân, thì phần nhiều thời gian ông đã dành cho loài mèo.
Ông “tiến sỹ mèo” Nguyễn Văn Thanh – Trưởng bộ môn thú y – ĐH Nông nghiệp HN. |
Khoảng chừng tháng 3, tháng 4 năm 2010, cuộc thi kỳ lạ nhất dành cho loài vật quen thuộc nhất trong cuộc sống thường nhật của bất kỳ người dân Việt Nam được tổ chức, đó là cuộc thi… “hoa hậu mèo”. Người khởi xướng, đầu têu, bày trò, thuyết phục, trưởng ban giám khảo, người đi vận động, tuyên truyền… không ai khác là PGS.TS Nguyễn Văn Thanh.
Ông Thanh tâm sự: chẳng phải “đón đầu” cái năm Tân Mão ông mới tổ chức cuộc thi… “hoa hậu mèo” như cái chiêu bài PR của các doanh nghiệp làm kinh tế, dù rằng, nếu biết có cuộc thi như thế này, chắc chắn cánh phóng viên báo chí sẽ “làm um” lên. Chỉ đơn giản, đấy là cách thức, theo ông, vừa đơn giản, vừa gần gũi, mộc mạc, dễ thuyết phục người nông dân, đơn giản vì nó lạ, và người dân (nhất là nông dân mình) thì lại rất hay tò mò và háo hức trước những điều lạ lẫm, đôi lúc tưởng là trái khoáy.
Độ ấy nhằm vào tháng giáp hạt. Ông Thanh cùng các cộng sự về xã Thanh Bình (Chương Mỹ - Hà Nội) “âm mưu” tổ chức cuộc thi hoa hậu mèo. Ông bảo, tên xã là Thanh Bình, nhưng thực ra chẳng thanh bình chút nào. Lý do: 100% bà con đều sản xuất nông nghiệp, và bà con nông dân đau đầu vì nạn chuột hành hành. Tính riêng, mỗi con chuột một năm nó cắn phá, gặm nhấm mất chừng 20kg/thóc trên một đầu con. Như thế, một mùa vụ bà con bị thiệt hại cũng đáng kể.
Đích thân ông chủ tịch xã Thanh Bình đã dẫn ông Thanh đi thăm ruộng. Cánh đồng làng Thanh Bình đang vào độ thì con gái, thế nhưng, có những đám ruộng xơ xác như bị gió mạnh táp quật ngang thân. Đấy là lũ chuột. Tai hại nhất, lúa con gái đang vào đòng, bị chuột cắn ngang thân thì chẳng khác nào bị… vô sinh hóa. Đám ấy, nếu có sống thì cũng chỉ làm rơm rạ, hoặc cũng chỉ còn lơ thơ vài dánh, vì bao nhiêu đòng, bao nhiêu quả lúa… đã bị chuột phá khi còn trong trứng nước.
Cuộc thi “hoa hậu mèo” tại xã Thanh Bình (Chương Mỹ - HN). |
Theo phương pháp thủ công, bà con quây áo mưa, đóng cọc, chăng ni-lông bốn xung quanh ruộng. Nhưng, sức nào cho xuể. Bờ xôi ruộng mật, thâm canh tăng vụ mấy đi chăng nữa, nhưng sức người làm sao lại được với… sức chuột, đó là chưa kể chi phí mua ni-lông, công sức bỏ ra. Mà lũ chuột đồng khôn như rận, một con đục được một cái lỗ chui lọt qua cái khoảnh ni-lông quây như cót ép, lập tức cả đàn sẽ lũ lượt trèo qua, thành thục và khéo léo như đặc công. (Đấy cũng là kinh nghiệm có được nhờ sự quan sát của các… chuyên gia diệt chuột khi họ đặt bẫy ở chỗ có nhiều vết chân chuột, lũ chuột đi một đường và cũng chỉ về bằng một đường duy nhất!).
Thanh Bình cũng là một xã nuôi nhiều mèo. Nhà nào cũng nuôi mèo, ít nhất cũng từ một đến hai con. Với chuyên môn của mình, ông Thanh chắc như đinh đóng cột với ông chủ tịch xã, rằng chẳng phương pháp nào diệt chuột tốt hơn… mèo. Trời sinh ra mèo là để diệt chuột, cái quy luật tự nhiên sinh ra những thứ khắc tinh của nhau, thì đấy là sự lựa chọn mang tính chân lý, hơn hẳn bất kỳ phương pháp nhân tạo nào. Thế là, cuộc thi hoa hậu mèo được ổ chức tại xã Thanh Bình.
Buổi sáng hôm đó, phát thanh viên của xã bắc loa khắp thôn ngoài xóm về việc mời các gia đình nuôi mèo mang mèo nhà mình tới nhà văn hóa thôn để tham dự cuộc thi hoa hậu mèo. Có nhiều giải dành cho các thí sinh mèo: mèo hay bắt chuột, mèo khỏe (su-mô), chị mướp đẻ nhiều con… Gần 200 thí sinh mèo được bà con tấp nập mang tới tham dự. Những gia đình bận đồng áng, bận đi canh lũ chuột phá hoại thì cử con mình mang mèo đi tham dự.
Kết quả cuộc thi hoa hậu mèo đã tìm ra được các thí sinh đẹp nhất, đúng các tiêu chí dành cho các hoa hậu. Mỗi “hoa hậu mèo” đoạt giải, chủ nhà được nhận phần thưởng vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng, ý nghĩa nhất của cuộc thi, đấy là cơ hội để ông “tiến sỹ mèo” truyền đạt các thông điệp về hữu ích của loài mèo, vận động bà con nuôi mèo để diệt chuột bảo vệ mùa màng, không dung các phương pháp diệt chuột như đánh bả, dung dây điện… vừa không hiệu quả mà còn gây… chết người.
Bây giờ, có lẽ Thanh Bình là xã có tốc độ… tăng trưởng đàn mèo vào loại cao nhất ở các xã đồng bằng Bắc Bộ, vì tận mắt, tận tai bà con được nghe ông tiến sỹ của một trường ĐH nổi tiếng về nói cho nghe tác dụng của con mèo, cách chăm sóc, nuôi dạy và sử dụng chúng để giúp ích cho cuộc sống của chính bà con!