Dân Việt

Không để các mục tiêu phủ định lẫn nhau

08/02/2011 13:31 GMT+7
(Dân Việt) - Trong thực tế nơi này, chỗ kia, do quy hoạch chưa có tính thuyết phục cao về khoa học và thực tiễn nên đã nảy sinh những hệ quả đáng tiếc do đối lập giữa các mục tiêu.

Điển hình là giữa xả lũ cứu những nhà máy thủy điện với việc bảo vệ tính mạng, nhà cửa, mùa màng của dân

“Xung đột” mục tiêu dự án

Đã công nghiệp hóa, đô thị hóa thì diện tích đất phải giảm đi nhưng nếu hiểu đầy đủ, xem đất là một tư liệu sản xuất đặc biệt, một đối tượng lao động độc đáo chỉ mất đi chứ không thể sinh sôi, nếu xem rừng là một nhân tố quan trọng hợp thành môi trường và quyết định sự tồn tại của môi trường thì đã có những quyết định thận trọng trong quy hoạch.

Giữa rừng và đất có một mối quan hệ tương hỗ đặc biệt. Không còn rừng thì đất cũng giảm độ phì nhiêu và sẽ kiệt quệ, ngay cả với những đất vốn rất màu mỡ ở cách xa rừng hàng trăm cây số. Những số liệu phân tích hóa tính và lý tính cặn phù sa cách đây nửa thế kỷ với số liệu gần đây của chúng tôi đã nói lên điều đó.

 img
Cánh đồng Vò Vo rộng 12ha của xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh bị cát sỏi vùi lấp sau trận lũ do sự cố thủy điện Hố Hô (tháng 10-2010).

Tất nhiên tác hại của những trận lũ ở các tỉnh miền Trung có sự chi phối của hiện tượng thay đổi chưa từng xảy ra về khí hậu thời tiết nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất.

Việc thu hồi 38 dự án về thủy điện ở miền Trung là một chủ trương sáng suốt, nhưng nên chăng cần nghiên cứu để giảm thêm nhiều nữa vì con số 38 ấy vẫn còn ít so với 300 dự án ở miền Trung và Tây Nguyên bởi một lẽ giản đơn không còn rừng thì điện từ thủy điện đến một lúc nào đó trong tương lai không xa cũng chẳng còn, mà rừng cũng không dễ tái tạo!?

Đó là chưa kể những hiện tượng không mong mà đến, khi những nông dân được nhận một số tiền đền bù khá lớn, trước đó chỉ thấy trong giấc mơ từ quy hoạch sân golf, sau khi xây nhà và mua sắm các tiện nghi, vì khi không còn đất canh tác đã phải ra thành phố làm những nghề chỉ cần lao động giản đơn nên không đủ tiền trang trải cho gia đình trong đó có việc học hành của con cháu!

Thấy tầm quan trọng của công nghiệp hóa nông nghiệp và cũng là câu nói bất hủ "Phi nông bất ổn" của danh nhân Lê Quý Đôn, đã bắt đầu có nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đào tạo để người nông dân chuyển hóa thành công nhân nông nghiệp. Khi đã có nhiều dự án thì việc cần làm là xác định cho được mục tiêu chủ đạo, làm sao để mục tiêu đó tác động tích cực đến những mục tiêu của các dự án khác.

Dù mục tiêu của những dự án có thể khác nhau nhưng theo chúng tôi mục tiêu chủ đạo nếu được hoàn thành phải là nâng cao thu nhập của người nông dân trên cơ sở xác định đúng cơ cấu sản xuất nói chung, cơ cấu cây trồng, cơ cấu vật nuôi nói riêng để tăng năng suất và chất lượng các nông sản chiến lược, hạ giá thành sản xuất để từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khi tiền đề ấy được xác lập thì những mục tiêu của các dự án khác sẽ nhận được những tác động tích cực và có những tác động tương hỗ nhất định vào mục tiêu chủ đạo.

Cái "cần câu" và "con cá" chúng ta vẫn thường nói chính ở chỗ đó! Đời sống chưa được cải thiện, thu nhập bằng tiền chưa tăng lên, con cháu chưa có những bộ quần áo chống rét, nỗi lo về những trận lũ kinh hoàng đang còn rình rập thì tác dụng của nhà văn hóa cũng hạn chế, các máy tính đắt tiền được nối mạng cũng chẳng mấy ai dùng ngoài chức năng "một máy đánh chữ".

Tích tụ ruộng đất không phải để “ly nông”

Trong Dự án "Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên cồn cát hoang hóa ven biển" ở Hà Tĩnh, số tiền viện trợ của tổ chức quốc tế không lớn nhưng nông dân đã tự tìm ra những "cần câu mới" rất đa dạng thông qua việc đầu tư vào những khâu sản xuất mũi nhọn bằng những đồng vốn của chính họ để tái sản xuất mở rộng, để nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất trồng trọt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các nông sản chiến lược.

Dù mục tiêu của những dự án có thể khác nhau nhưng theo chúng tôi mục tiêu chủ đạo nếu được hoàn thành phải là nâng cao thu nhập của người nông dân trên cơ sở xác định đúng cơ cấu sản xuất nói chung, cơ cấu cây trồng, cơ cấu vật nuôi nói riêng để tăng năng suất và chất lượng các nông sản chiến lược, hạ giá thành sản xuất để từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đề cập tới mục tiêu chủ đạo, thiết tưởng cũng cần nói đến "khái niệm" và "nội hàm" tương ứng. Thật vậy, khi nói về tính tất yếu khách quan của việc tích tụ ruộng đất, đâu có phải là để nông dân nhường quyền sử dụng đất cho những người giàu có để trở thành "người ly nông"?

Trái lại để họ có điều kiện càng gắn bó với nghề nhưng với một quy trình sản xuất tiến bộ hơn, thu nhập cao hơn với vị thế mới là thành viên của một "hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới" hoặc cao hơn, phải là những cổ đông của "tập đoàn công - nông nghiệp khép kín" như một số doanh nhân nước ngoài đã đề xuất, khi Luật Đất đai có những thay đổi cơ bản, trong đó, quan trọng hàng đầu là những chỉ tiêu về hạn điền.

Trong tổ chức thực hiện, nên chăng đã đến lúc không nên để tồn tại khái niệm "trách nhiệm tập thể"? Chính vì vậy, vai trò của người tư lệnh dự án có tầm quan trọng đặc biệt. Người tư lệnh dự án phải được giao nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng, vô luận có chức vụ cao hay thấp.

Dự án phải là sản phẩm của một quyết định sáng suốt sau khi đã có những phản biện giàu trí tuệ và trong quá trình thực hiện cũng cần có sự giám sát thường xuyên để đề xuất những việc mới nảy sinh để tiếp nhận những phản biện mới có chất lượng.

Trong quá trình thực hiện dự án vai trò của những tham mưu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo chúng tôi, tham mưu phải là người am hiểu nội dung và mục tiêu của dự án, vừa có tài, vừa có tâm, không phân biệt hay không. Người có học vị, học hàm. Nếu ý kiến tham mưu có tầm quan trọng đặc biệt thì việc tranh thủ ý kiến tham mưu theo đơn tuyến có giá trị không kém tác dụng của tham mưu theo tổ chức.