Năm nào cũng vậy, phiên chợ Chuộng (ngày nay người dân gọi là chợ Choảng - PV), tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng có người đánh nhau.
Tương truyền, trong một lần chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đoàn quân của một vị vua bị truy sát và chạy tới khu vực này. Để cứu nhà vua cùng binh lính thoát khỏi mối nguy nan, người dân trong vùng đã lập tức vờ tổ chức ngay một phiên chợ. Nhà vua cùng binh lính được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán.
Khi quân giặc tới nơi, chúng cho rằng đó là một phiên chợ của nông dân trong vùng nên mất cảnh giác. Lúc ấy, nhà vua ra lệnh phản công, cùng quân lính và người dân xông lên giết giặc, trận chiến toàn thắng. Cảm kích trước sự mưu trí và dũng cảm của dân làng, nhà vua đã hạ chiếu, ban thưởng cho người dân nơi đây. Kể từ đó, để ghi nhớ sự kiện ấy, mỗi năm, người dân lại tổ chức một phiên chợ Chuộng, trong đó có phần “đánh nhau cầu may” như một nét văn hóa truyền thống.
Hồng Đức