Chợ người đầu cầu Vĩnh Tuy đêm mùng 2 Tết. Ảnh Nam Hải |
Mùng Hai Tết, các chợ người ở Hà Nội đã lại bập bùng những ngọn lửa hè đường, sưởi ấm cho kiếp dân nghèo… Tết nhất nên công xá cũng “xông xênh” hơn…
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Cầu Mai Động trên phố Minh Khai là đất tổ của dân chợ người Hà Nội. Bắt đầu hình thành từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, từ nơi này, dân chợ người tỏa đi khắp nơi để hình thành nên chợ người dốc Bưởi, chợ người đầu cầu Long Biên, chợ lao động đầu cầu Vĩnh Tuy…
Dòng chữ bất hủ viết bằng vôi: “Nơi chờ việc của lao động ngoại tỉnh” trên bức tường ở đây đã bị xóa đi. Không hiểu con người, lắm chữ nhiều nghĩa nào đã phát minh ra dòng chữ ấy nhưng nó đã vẽ lên được một Hà Nội kênh kiệu.
Sáng mùng Năm Tết trên cái “đất tổ” ấy, anh chàng Cường (quê Thái Bình) mà tôi đã quen mặt vì nhiều lần giúp nhà tôi vài việc lặt vặt hôm nay trông “phởn” tợn. Vung vẩy chai rượu John Blue đã vơi quá nửa, ông tướng cười khùng khục: “Vừa được mừng tuổi đây này, vào làm với tớ một chén”.
Được một nhà tại phố Lĩnh Nam thuê về dọn nhà, chuyển đào, quất ra bãi rác, lúc nhổ cây đào ra khỏi chậu, Cường nhặt được một phong bao lì xì, chả dám mở, Cường mang lên trả cho chủ. Chủ nhà sướng lắm bảo “đầu năm đã có lộc”, rồi móc túi mừng tuổi Cường luôn một tờ 200 nghìn mới toanh, lúc về còn tặng thêm chai rượu Tây uống dở. Chủ nhà còn bắt Cường thề sống, thề chết là mùng Năm này, khi nhà ông “hóa vàng” phải qua nhà tiếp khách hộ. Cả đội mỗi ông một tợp, nhoáng cái chai rượu đã “đi đời”.
Đội hình này tận 30 Tết mới về quê, rồi họ rủ nhau ra đây từ chiều mùng Hai. Được cái Tết nhất nên công xá cũng kha khá, gặp chủ nhà dễ tính lại được mừng tuổi hoặc được mời ăn, mời uống, tiếp khách hộ.
Mấy vị cùng bảo: “Về thắp hương cho ông bà đêm 30 là được rồi. Ở nhà lắm chỉ tổ tốn tiền mừng tuổi. Qua rằm tháng Giêng, dân phố đi lễ xa nhiều, lúc ấy rỗi việc về quê ăn Tết lại cũng được”.
Len vào đám người ấy, anh Nguyễn Văn Vạn nhà ở khu tập thể Kim Liên hỏi mấy anh chợ người: “Có ông nào tuổi Hợi, Thìn, Tuất không?”, hỏi được người, anh bảo: “Mai nhà tớ hóa vàng, buổi chiều chú đến tiếp khách cơ quan đằng vợ hộ anh, mấy thằng cha ấy uống khiếp lắm. Đúng 17 giờ 30 ngày mai tại đây, anh đón. Năm mới! Đừng để nhỡ việc của anh mà bị “giông” đấy nhé. Anh trả hẳn 100 nghìn”.
Chia sẻ cảm xúc của người xa quê sống nơi phố thị, anh Cường cười buồn: “Hà Nội có khác. Công việc phải thuê người đã đành, đến tình cảm cũng phải đi thuê.”
Ầng ậng hơi xuân
Đêm đã khuya lắm rồi mà đám chợ người quanh đống lửa nơi đầu cầu Vĩnh Tuy vẫn huyên náo, ồn ào rõ là như cái… chợ. Ghé vào xin chụp cái ảnh, bác có tuổi nhất đám, râu tóc bạc phơ giao hẹn: “Anh chụp xong thì chở giúp tôi thằng này về nhà trọ một cái”.
Anh chàng say khướt khượt chả ra cười, chả ra khóc ngồi dựa vào thanh chắn đường, nếu chở đi thì phải có thêm người ngồi đằng sau giữ mới được, xe ôm không dám chở vì sợ công an phạt, ông bác năn nỉ: “Anh là nhà báo, công an họ nể hơn”.
Bác có tuổi tên Khánh quay sang quát một thằng bé còm nhom: “Mày đi mà không can nó, biết nó ham rượu mà cứ để nó uống. Nó bị làm sao thì mày liệu hồn”.
Thằng bé tái mặt phân bua: "Tại chú ấy cơ. Chuyển bộ bàn ghế lên gác 2 xong, chủ nhà hỏi: “Có thằng nào uống được rượu không?”. Chú ấy nói “có” thế là chủ nhà bảo: “Mày lên gác lấy cái áo của tao mà mặc. Lát nữa khách đến thì bảo là em họ của tao ở quê ra, mày cứ mời chúng nó uống túi bụi vào là được”.
Cháu phải can: “Chúng cháu phải về”, thì ông chủ nhà bảo: “Cút! Để nó ở đây cũng được, tiếp khách xong tao mới trả tiền”. Cháu chả dám về, mãi đến vừa nãy mới hết khách, cháu lại phải dọn dẹp xong mới dìu chú ấy về được”.
Thực ra trò đi ra chợ lao động thuê “Triển Chiêu” (người uống rượu thế mạng) này không có gì lạ. Tết đến, các “Triển Chiêu” lại càng đắt khách hơn, chỉ cần nom chững chạc một tý, quan trọng hơn là tuổi phải hợp với gia chủ là rượu tiệc mềm môi, nhờn mép lại có tiền đem về nhưng tính kỹ ra lại thiệt. Uống theo kiểu “hình nhân thế mạng” thế này chí ít cũng phải nằm bệt dăm ba bữa, mất toi mấy công lao động.
Chở ông say rượu nửa khóc, nửa cười về nhà trọ dưới khu Vĩnh Tuy cách đấy hơn cây số đã thấy trong nhà trọ có một ông tập tễnh ra mở cửa. Ông bác Khánh giới thiệu: “Thằng này là Sinh, vừa bị tai nạn”. Sinh nom chững chạc, có dáng “lãnh đạo thôn” nên vừa thò mặt ra chợ người hôm mùng Hai đã có ông khách rước đi làm Triển Chiêu.
Đám khách hôm ấy lại đặc biệt quý “ông em họ ở quê ra” của gia chủ nên Sinh được bữa uống tơi bời. Lúc về, khi trèo tắt qua thanh chắn dải phân cách, anh bị ngã lộn cổ do say rượu quá, vào viện mới biết bị rạn xương gót chân, lại thêm cái tay bị sái. Thế nên, Sinh phải về nằm bẹp từ hôm mùng Hai đến giờ.
Sinh bảo: “Cả năm có mỗi dịp kiếm ăn dễ chịu một tý thì lại mắc phải cái tai ách này. Nhìn anh em nhộn nhịp công việc mà sốt hết cả ruột”. Qua Tết, người ta ngán cao lương mỹ vị nên mấy phố dày đặc các hàng bán bún riêu cua, bún ốc. Có anh bạn nhắn tin đã hỏi được việc rửa bát cho mấy hàng bán bún ốc trên phố Lò Đúc cho Sinh. Có khoảng dăm bảy hàng nào đấy thuê chung một anh ở chợ lao động, nhà nào cần việc rửa bát thì gọi, nghề rửa bát rong ấy không nặng nề lại chỉ phải ngồi một chỗ nên chắc phù hợp với Sinh.
Đấy! Có phải cứ “rượu say túy lúy” là vui đâu.
Nam Hải