Ảnh: TuanVietnam |
Nhìn lại năm cũ, chúng ta rất tự hào với những gì đã đạt được: Nông nghiệp tăng trưởng 2,8% so với mức 1,8% năm 2009. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 4 năm nay, tăng 4%. Sản lượng khai thác thủy sản trên biển và nuôi trồng đều tăng 9%.
Xuất khẩu lúa gạo đạt mức kỷ lục 6,7 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục mới, hơn 19 tỷ USD, với 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ và gạo. Nông sản tiếp tục xuất siêu là đóng góp quan trọng cải thiện cán cân thương mại đang trong tình trạng thâm hụt kéo dài.
Tiếp tục vượt khó
Cuối năm 2010, chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn được chính thức khởi động, đem lại niềm tin mới cho cư dân nông thôn. Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế thế giới, đến cuối năm, tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm xuống 12%, tỉ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83%, hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn là 60%. Bên cạnh các thành tựu to lớn trên, những thách thức của giai đoạn phát triển mới cũng bắt đầu lộ diện.
Đầu năm qua, khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại ĐBSCL. Tiếp đến, lũ lụt lớn ở miền Trung cho thấy biến đổi khí hậu đã bắt đầu làm ảnh hưởng xấu đến diễn biến thời tiết. Dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vẫn luôn luôn rình rập. Trong thời gian tới, tình trạng khô hạn, thiếu nước mưa và nước ngầm sẽ tiếp tục là thách thức với sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tưới hạn chế và nguồn điện không ổn định thực sự là mối lo của nhà nông.
Ngược lại, trong mùa lũ, các đợt mưa tập trung sẽ gây ra lũ lớn kéo dài, nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng của tình trạng phá rừng và xây dựng thủy điện thiếu quy hoạch. Các biểu hiện thời tiết khắc nghiệt về nhiệt độ nóng và rét sẽ diễn ra phức tạp và mạnh mẽ hơn, tương tự như vậy là cường độ thời gian của mưa bão. Phòng chống thiên tai, đối phó với dịch bệnh sẽ là thách thức lớn của bà con nông dân.
Cùng với những khó khăn do hàng rào kỹ thuật ngày càng ngặt nghèo trên các thị trường thế giới, giá cả vật tư đầu vào và nông sản đầu ra sẽ tiếp tục biến động khó lường. Các biến động bất thường của kinh tế vĩ mô trong nước cũng như tình hình kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng lớn tới đời sống của nông dân và sản xuất nông nghiệp. Lãi suất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn, tỉ giá chênh lệch làm hoạt động xuất nhập khẩu không dễ dàng. Thêm vào đó là những yếu kém kéo dài trong công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào và vệ sinh an toàn thực phẩm đầu ra làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
Chân trời mới đang mở...
Bên cạnh những khó khăn là những thuận lợi to lớn mới. Kể từ năm nay, kinh tế thế giới đang đi vào thời kỳ phục hồi, đặc biệt nhu cầu thương mại nông, lâm, thủy sản sẽ tăng dần mở ra thị trường cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam. Nhìn về dài hạn, giá nông sản tiếp tục giữ ở mức cao trong tương lai là cơ hội lớn cho những quốc gia có lợi thế về sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.
Trong các phòng nghiên cứu, nhiều tiến bộ kỹ thuật đang hình thành. Nhiều giống cây trồng mới có khả năng chống chịu với bệnh tật và điều kiện khó khăn sẽ ra đời trong tương lai. Cùng với Chương trình Nông thôn mới bắt đầu được triển khai, nhiều chính sách và chủ trương mới của Đảng và Nhà nước hướng về nông thôn, hỗ trợ nông dân sẽ được áp dụng. Các cơ sở hạ tầng mới đặc biệt là hệ thống giao thông và thủy lợi ngày càng mở mang.
Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới họp tại Davos tháng 1 này, những sáng kiến mới về liên kết công-tư thu hút mạnh đầu tư quốc tế vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội gắn kết những ngành hàng có lợi thế của Việt Nam với chuỗi thương mại toàn cầu. Một chân trời mới đang mở ra cho những nước có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.
Nếu chúng ta biết khéo léo nắm bắt lấy thời cơ thì quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ có sắc thái khác biệt với nhiều nước đi trước, đó là: Công nghiệp hóa với tỉ lệ cư dân sống ở nông thôn còn tương đối cao, và tỉ trọng đóng góp của nông nghiệp trong kinh tế tương đối lớn.
Nền kinh tế của một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại sẽ có phần đóng góp quan trọng của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao. Kinh tế xã hội Việt Nam sẽ phát triển hài hòa, nông thôn đan xen và gắn kết với đô thị, công nghiệp phục vụ và phối hợp với nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế mạnh, mà còn là hồn văn hóa dân tộc và là nôi phát triển sinh thái môi trường. Nổi bật lên trên tất cả chính là vai trò quyết định của người nông dân Việt Nam - con người của giai đoạn phát triển công nghiệp mới, có kỹ năng, có trí tuệ, có tác phong sản xuất kinh doanh của nền nông nghiệp lớn, hiện đại.
TS. Đặng Kim Sơn
(Viện Chính sách chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)