Dân Việt

Xông đất nơi cứ ra ngõ là gặp tỷ phú

08/02/2011 18:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đầu năm Tân Mão, PV NTNN đã có chuyến đi xông đất nhà nông tại vùng đất Chư Sê, Chư Pưh, Gia Lai - nơi được mệnh danh là "Vương quốc hồ tiêu" (chiếm 25% sản lượng tiêu cả nước).

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự giàu có của người trồng tiêu nơi đây.

Mới chớm vào đầu thị trấn Chư Sê, mùi hồ tiêu đã lừng lên dưới cái nắng đầu mùa như bốc lửa. Không một khoảnh sân nào không đen kịt hồ tiêu…

Tiền trăm triệu là... chuyện nhỏ

img

Chúng tôi về thôn 6, xã Ia Blang - nơi được mệnh danh là "Phố làng". Thôn có trên 180 hộ sống bằng nghề trồng tiêu. Họ nguyên là dân kinh tế mới Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế từ những năm 1977-1978, bây giờ chẳng còn vết tích nào của thời bĩ cực ngày xưa nữa.

Thôn Hòa An có hơn 100 hộ, tất cả đều sống chủ yếu bằng nghề trồng tiêu. Theo ông Khoa, số hộ có trong tay từ 20 tấn hồ tiêu trở lên, tức là có thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng chiếm gần một nửa. Còn số hộ có vài trăm triệu trở lên trong vụ tiêu này được xem là… quá bình thường.

Danh xưng "phố làng", vậy mà chúng tôi vẫn phải sửng sốt trước sự giàu có của người nông dân nơi đây. Dọc con đường thẳng tắp được bê tông hoá, những ngôi nhà tầng xây kiểu Thái trị giá mỗi căn trên tỷ đồng san sát. Cây cảnh, hòn non bộ, giả sơn cổ điển, tân kỳ ngợp cả mắt. Có nhà chỉ tính cổng tường, hòn non bộ cũng đã vài trăm triệu đồng…

Thôn 6 có 180 hộ thì số tỷ phú đã suýt soát cả trăm. Còn số hộ thu nhập từ vài trăm triệu đến nửa tỷ đồng được xem như là "nghèo". Chỉ riêng vụ mùa này đã có 4 nhà sắm xe du lịch đời mới. Ở đâu kia nói chuyện sắm xe hơi là lớn chứ ở thôn 6 này nếu muốn, mỗi nhà sắm mỗi chiếc ô tô cũng chẳng là ghê gớm.

Thậm chí nếu sắm xe thật sang thì như ông Nguyễn Văn Luyến có lẽ cũng chẳng "ngán" gì các đại gia. Với khoảng 40 tấn tiêu, riêng vụ này ông cũng có trong tay hơn 3 tỷ đồng!

Mà ông Nguyễn Văn Luyến chỉ mới là "nhân vật số 2". Chúng tôi về thôn Hòa An, xã Nhơn Hòa - nơi "nhân vật số 1" Nguyễn Văn Khoa với danh hiệu "đệ nhất tỷ phú hồ tiêu" đã mấy chục năm nay chưa ai "soán ngôi" nổi…

Theo nghiệp trồng tiêu từ những năm 1986, chẳng ai biết được giá trị tài sản đích thực của ông, chỉ biết rằng từ những năm 1990 ông đã bỏ ra nửa tỷ đồng để xây nhà. Dù đã chia một phần tài sản cho con, năm nay ông vẫn thu khoảng 80 tấn. Cứ như thời giá hiện tại, ông đã có trong tay trên 8 tỷ đồng.

Không chỉ người Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã xuất hiện tỷ phú. Anh Rơ Lan Kot ở Plei Tao, xã Ia Phang là một ví dụ. Với gần 3ha tiêu, vụ này ít ra anh thu gần 20 tấn, cầm chắc trong tay bạc tỷ… Làng Lao - nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai sống bằng nghề trồng tiêu, vào nhà nào chúng tôi cũng nghe họ hỏi nhau vụ này thu được mấy trăm triệu. Người ta nói tiền trăm triệu với nhau nghe cứ vô tư như nói… tiền trăm!

“Két đựng tiền” của tỉnh

img

Những khoảnh sân đen kịt hồ tiêu.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, niên vụ hồ tiêu 2009 - 2010 vùng đất Chư Sê, Chư Pưh ước không dưới 400 tỷ phú hồ tiêu, tăng khoảng 100 tỷ phú so với niên vụ trước. Làm phép tính đơn giản: Mỗi ha chỉ cần đạt năng suất 4,8 tạ/ha, người trồng tiêu đã có suýt soát nửa tỷ đồng. Chỉ cần 2ha tiêu tốt, bán đúng thời điểm là lên ngay ngôi tỷ phú…

Rất tiếc là do không lường được giá tiêu tăng đột biến nên đã có khoảng 50% ND đã bán tiêu từ giữa vụ với giá 60 - 70 nghìn đồng/kg. Nếu đồng loạt bán được giá cuối vụ, con số tỷ phú chắc phải lên đến sáu, bảy trăm người.

Chỉ riêng tổng sản lượng của vùng đất Chư Sê khoảng 9.000 tấn, lợi nhuận của người trồng tiêu niên vụ này cao hơn năm ngoái ước khoảng trên 300 tỷ đồng. Nhẩm tính cả phần đất Chư Pưh, con số này là cả nghìn tỷ đồng…

Năm nay, 3 thứ nông sản chủ lực của Tây Nguyên là cao su, cà phê và hồ tiêu đều được giá, nhưng lợi nhuận xem ra chưa thể sánh với hồ tiêu. Chư Sê, Chư Pưh đã trở thành "két đựng tiền" của tỉnh Gia Lai.