Năm 2004, đang ăn nên làm ra nhờ trồng lúa và nuôi cá sấu ở Thủ Thiêm (nay là quận 2), anh Nguyễn Trung Hiếu giao 3.500m2 đất, nhận 5,5 tỷ đồng tiền đền bù để đưa gia đình sang cù lao Long Phước giáp sông Đồng Nai. “Tôi trích một phần trong số tiền này tậu 3.000m2 đất bưng trũng để làm trang trại và ký hợp đồng với Công ty Xuất khẩu cá sấu hoa cà, mỗi năm nuôi 500 con cá sấu. Trừ mọi chi phí, lãi 600.000 - 1.000.000 đồng/con”- anh Hiếu kể.
Anh Nguyễn Trung Hiếu và đàn kỳ đà chuẩn bị xuất chuồng. |
Đầu mùa mưa năm 2010, anh lên Đồng Nai mua 200 con kỳ đà giống (giá 260.000 đồng/con) về nuôi. Đến cuối năm mỗi con nặng 2,5-3kg/con, nơi cung cấp con giống bao tiêu toàn bộ với giá 300.000 đồng/kg, doanh thu xấp xỉ 100 triệu đồng. Ấy là chưa tính 4 chú heo rừng nái sinh sản cũng là nguồn thu không nhỏ của anh.
Song ít ai biết, đến nay anh Hiếu đã 23 lần hiến những giọt máu hồng giúp những người nghèo không may bị bệnh cần được tiếp máu. "Hồi nhỏ tôi mắc bệnh nan y, nhờ được tiếp máu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Giờ mình khỏe, bớt một chút máu chia sẻ với bệnh nhân nghèo có gì đắn đo" - anh Hiếu tâm sự.
Anh kể, khi thành phố thu hồi đất để xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm, anh lấy những lời Bác Hồ dạy và những việc làm của Bác động viên vợ con nhận tiền đền bù làm gương cho bà con khác cùng thực hiện. "Sau khi nhận tiền đền bù, nếu đưa gia đình vào ở chung cư, đồng tiền được đền bù sớm muộn cũng sẽ đội nón ra đi, biết đâu con cái không có cơ hội học hành, trong khi vợ chồng tôi vẫn còn sức lao động. Tôi quyết định đưa gia đình sang đây sản xuất nông nghiệp để đồng tiền sinh lợi"- anh Hiếu thổ lộ.
Nhiều gia đình nghèo cùng anh giao đất cho dự án, khi đến đất mới thiếu vốn sản xuất đã được vợ chồng anh cho mượn (theo phương thức trả chậm). Nay cuộc sống của họ đã ổn định, có người đã khá giả như gia đình anh Đồng Văn Sâm. Năm nào cũng vậy, Tết đến, qua Hội ND, vợ chồng anh dành 100 phần quà trị giá gần 20 triệu đồng cùng với Mặt trận Tổ quốc xã tặng bà con nghèo vui xuân.
Khuynh Diệp