Dân Việt

Mong ước đầu năm

08/02/2011 10:38 GMT+7
(Dân Việt) - Một năm có nhiều hy vọng mới, đó là mong ước của nông dân, các nhà khoa học, cán bộ Hội ND, doanh nghiệp... trong năm mới Tân Mão này.

Ông Nguyễn Duy Lượng -Phó Chủ tịch Hội NDVN: Công tác dự báo sẽ tốt hơn

Dự báo thị trường, chính sách thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản trong năm 2010 của ta bộc lộ những bất cập, nhất là với lúa gạo và cà phê. Đầu tháng 7-2010, giá lúa vụ hè thu giảm mạnh tại các tỉnh ĐBSCL. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay để các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (giữa) thăm mô hình trồng mướp ngọt hữu cơ của nhóm ND xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hoà Bình.

Song, việc tổ chức thu mua lúa gạo tạm trữ rất cầm chừng. Đầu tháng 8, khi các thương nhân Trung Quốc vào ĐBSCL thu mua ồ ạt thì giá lúa gạo mới tăng mạnh. Tương tự, khi chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê thực hiện, hầu như người trồng cà phê đã bán hết sản phẩm với giá rẻ. Khi giá cà phê tăng mạnh, gần như ND không còn cà phê để bán...

Hy vọng, năm 2011, những bất cập này sẽ được hạn chế. Muốn vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần phân tích, tìm nguyên nhân để khắc phục bất cập, trước hết trong công tác thông tin, dự báo.

Thường trực T.Ư Hội NDVN và cá nhân tôi rất đồng tình với ý kiến, Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho ND thông qua các tổ, nhóm, CLB ND, HTX sản xuất. Hỗ trợ của Nhà nước tập trung vào các khâu thuỷ lợi, vốn, giống, khoa học kỹ thuật, phân bón, xây dựng hệ thống "kho bãi" cho ND tạm trữ nông sản...

PGS-TS Tạ Minh Sơn - nguyên Viện trưởng Viện KHNN VN: Sản lượng lúa vượt 40 triệu tấn

img

Năm 2011, năm bản lề của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) và tầm nhìn đến năm 2020. Tôi hy vọng, sẽ có những đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhờ vào những quyết sách mới của Đảng, Nhà nước.

Việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tất cả các khâu như nuôi trồng, thu hoạch, chế biến... sẽ làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tôi kỳ vọng, năm nay lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu sẽ có những đột phá mới, khẳng định được vai trò then chốt.

Những đầu tư đúng hướng, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT trong nông nghiệp sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng giá trị hàng hoá, cải thiện nhanh và bền vững đời sống người nông dân.

Gần 40 triệu tấn thóc chúng ta đạt được trong năm 2010. Với quyết sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, thâm canh, quy hoạch đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới... và cố gắng của ND, sản lượng thóc năm 2011 sẽ đạt và vượt ngưỡng 40 triệu tấn.

Anh Mạc Hùng Sự - thôn Gia, xã Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Năm con mèo bội thu

img

Quê tôi chiêm khê mùa úng, nên vụ giáp hạt nào cũng thiếu ăn. Theo gợi ý của cán bộ khuyến nông huyện, cách đây mấy năm, tôi về Thái Bình học gieo cấy giống lúa mới cao sản. Vẫn diện tích ấy, giờ đây gia đình tôi không những đủ ăn mà còn dư thóc gối vụ.

Đầu năm vừa rồi, gia đình tôi chuyển diện tích đồng trũng 2 vụ lúa sang cấy 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá trắm. Trồng lúa cùng lắm chỉ thu được 2 tấn, với giá thóc hiện nay 4.000 đồng/kg, trừ tiền phân đạm, công cấy gặt… chỉ thu được 5 triệu đồng.

Từ khi kết hợp nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi thu gần 60 triệu đồng mà vẫn đủ lúa ăn. Xuân Tân Mão này, gia đình tôi đón một cái Tết to, vì năm vừa qua cả lúa và cá đều được mùa. Năm nay, tôi sẽ thuê thêm đất để trồng lúa - nuôi cá.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thành công tốt đẹp. Tôi hy vọng, với chính sách “Tam nông” của Đảng, Nhà nước, chúng tôi sẽ phát huy hết khả năng của mình để làm giàu cho gia đình và quê hương...

Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Cafatex (Hậu Giang): Tôm, cá tra xuất khẩu sẽ tăng 30%

Năm 2011, công ty chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng bán vào siêu thị và xuất khẩu. Hiện 60% sản lượng xuất khẩu của Cafatex là vào thị trường Nhật. Đầu năm 2010 Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) đã được triển khai đồng bộ với trên 800 dòng sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam vào Nhật với thuế suất 0% nên việc xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản sang thị trường này đang rất thuận lợi. Trong năm qua mức tăng trưởng của Cafatex đạt khoảng 15%.

Cafatex đã xuất trực tiếp vào hệ thống siêu thị 7 Eleven và ItoYokado. Nhờ hiệp định này Công ty sẽ tăng cường xuất khẩu hàng có thương hiệu của mình trực tiếp vào các siêu thị lớn khác của Nhật.

Nếu lãi suất cho vay phù hợp, thì trong năm mới Cafatex có thể chắc chắn với mức tăng trưởng 30%, vì hiện nay Cafatex là một trong số ít DN có thể chủ động được nguồn cung nguyên liệu tôm và các tra phục vụ các đơn hàng xuất khẩu lớn.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân xã Khánh Hòa, huyện An Phú, An Giang: Mong cá tra có “đầu ra” ổn định

img

Năm mới, người nuôi cá tra ở ĐBSCL rất mong các cơ quan chức năng và Nhà nước có biện pháp hữu hiệu để kiềm chế giá thức ăn cho cá đừng tăng "chóng mặt" như năm rồi; nhanh chóng đưa ra giá sàn nguyên liệu của con cá tra, đảm bảo người nuôi cá có lãi.

Nếu giá sàn cá tra dưới 25.000 đồng/kg nghề nuôi cá tra rất khó khôi phục, bởi giá thành nuôi cá đã lên hơn 20.000 đồng/kg. Vừa qua, giá cá tra nguyên liệu có tăng, nhưng giá thức ăn cho cá năm qua tăng đến 15 lần (tăng gần 10.000 đồng/kg) nên đâu cũng vào đó.

Mong ước lớn nhất của người nuôi như chúng tôi là các nhà hoạch định tìm “đầu ra” cho con cá tra ổn định. Bên cạnh đó là khẳng định thương hiệu con cá tra của Việt Nam là "sạch, an toàn" trên thị trường thế giới.

Gần đây, người nuôi cá tra ở ĐBSCL treo ao là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người nuôi cá tra thiếu vốn để tái đầu tư. Theo tính toán, để nuôi được 100 tấn cá tra, người nuôi cần 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, rất cần các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với ND để xây dựng một chuỗi giá trị cá tra theo hướng bền vững.