Những cụ già cô đơn bị con cái bỏ rơi ở “Ngôi nhà Mái Ấm”. |
Những số phận buồn
Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người vì chạy theo đồng tiền để rồi đánh mất nhân bản, đạo làm con trong gia đình. Hơn 20 cụ trong “Ngôi nhà Mái Ấm”, không ít người bị con cái “quên” phụng dưỡng trong những năm tháng cuối đời.
Cụ Lê Thị Chè, 97 tuổi, từng sống trong tột cùng tủi cực. Lấy chồng năm 16 tuổi, từ quê nghèo Thái Bình theo chồng lên Hà Nội lập nghiệp, cụ Chè sinh được tất thảy 12 người con, 9 trai, 3 gái. Những năm tháng chiến tranh loạn lạc, khó khăn lắm vợ chồng cụ mới nuôi được các con khôn lớn, trưởng thành. Nhưng sự yên tâm về một ngày mai tốt đẹp, sum vầy bên đàn con cháu đông đúc chỉ là những ước mơ hão huyền khi các con cụ đùn đẩy cho nhau nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ cha. Quá uất ức về sự bất hiếu của con cái, vợ chồng cụ nghĩ quẩn bàn nhau uống thuốc ngủ quyên sinh để thoát cảnh trớ trêu và sự khinh bỉ của đám cháu con bất hiếu. Nhưng thuốc ngủ không đủ mạnh nên cụ bà ngắc ngoải sống tiếp quãng đời nhục nhã vì con. “Đận ấy là năm 1998, sau đó tôi bỏ đi ăn xin ở các ngõ ngách của Hà Nội. Năm vừa rồi linh mục Viễn đón tôi về đây sống cùng các cụ trong trung tâm” - cụ Chè nhớ lại trong xót xa.
Không giống cụ Chè, cụ Trần Thị Tú chỉ sinh được một người con trai. Chồng mất sớm, một mình cụ sớm hôm làm thuê làm mướn nuôi con học hành thành đạt. Rồi một tay cụ lo cưới hỏi cho con những mong được một ngày bồng bế cháu nội. Ai ngờ, khi mỗi tấc đất là một tấc vàng thì cũng là lúc con trai cụ trở mặt đuổi cụ ra khỏi nhà để độc chiếm của cải. Sống giữa Sài Gòn hoa lệ mà cụ Tú chỉ biết ngẩng mặt kêu trời, than cho số phận mình bạc bẽo. 6 năm lang thang xin từng bát cơm ăn qua ngày để đến nay khi bước sang tuổi 78, duyên phận đã dẫn cụ đến với Mái Ấm như một sự ủi an cuối đời.
Vui sống tuổi xế chiều
Hơn 20 cụ ở khắp các miền quê quy tụ về Mái Ấm như một sự run rủi của số phận. Không phải lang thang xin bát cơm thừa canh cặn như trước đây, đối với các cụ là một hạnh phúc. Hạnh phúc ấy không phải dễ dàng mà có nên mỗi cụ đều có cả một “kho tàng” để sống và chiêm nghiệm.
Hiểu rõ sự thiệt thòi, mất mát của các cụ, linh mục Viễn thường động viên và tổ chức cho thanh niên đến thăm hỏi để các cụ bớt đi mặc cảm, buồn tủi bản thân. Linh mục Viễn bày tỏ: “Phụng dưỡng các cụ không những phải chăm lo về mặt vật chất, mà còn phải chú ý đến mặt tinh thần. Các cụ có sống vui, sống khoẻ thì tôi mới có thể yên tâm”.
Tuổi già như ngọn đèn trước gió, nhiều cụ trong hơi thở tàn đã nói lời cảm ơn một người xa lạ đã cưu mang, cho cơm ăn nước uống, phụng dưỡng mình còn hơn con đẻ. Ông Đỗ Văn Từ - một người dân gần trung tâm Mái Ấm cho biết: “Linh mục Viễn là người rất có tâm, ông phụng dưỡng các cụ già khi còn sống, khi các cụ qua đời, ông tổ chức tang lễ và chôn cất rất cẩn thận”.
Có một sự thật rằng, đến đây người ta không tính thời gian bằng tháng, bằng năm. Tất cả được tính theo những bước thăng trầm trong cuộc sống của các cụ. Nhưng xã hội luôn dang rộng vòng tay nhân ái ôm trọn những số phận hẩm hiu – chí ít là ở “Ngôi nhà Mái Ấm” này.n
Trần Thế Hoà