Hướng về nông thôn
Hầu hết các ngân hàng thương mại (kể cả khối ngân hàng cổ phần, liên doanh…) như Sacombank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV… đã và đang có hoạt động tín dụng đều đặn ở thị trường nông thôn và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay rằng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới chính là cơ quan tín dụng đóng vai trò “chủ lực” trong hoạt động tín dụng “tam nông”!
Nông sản ở ĐBSCL cần đầu tư vốn để mua trang thiết bị sản xuất. |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đối với nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Agribank vào cuối năm 2009 đã đạt trên 183.500 tỷ đồng (tăng gấp 8 lần so thời điểm 1999). Trong 10 năm qua, đã có khoảng 5,3 triệu lượt hộ sản xuất tiếp cận được nguồn vốn vay của Agribank (tương đương hơn 58% hộ sản xuất ở khu vực tam nông được vay vốn sản xuất).
Ông Châu Văn Út - Phó Giám đốc Agribank Đồng Tháp (một đơn vị điển hình trong hệ thống Agribank về hoạt động tín dụng tam nông ở ĐBSCL), nhấn mạnh: “Chỉ tiêu của T.Ư giao cho hoạt động Agribank phát vay khu vực nông nghiệp phải đạt từ 80% trở lên. Tuy nhiên, tại Đồng Tháp, trong vài năm qua tỷ lệ này của ngân hàng chúng tôi luôn đạt mức trên 90% với doanh số từ hơn 8.000 tỷ đồng”.
Báo cáo năm 2010 của Vietinbank cũng cho thấy, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai chương trình tín dụng phục vụ tam nông, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này cũng đạt tới 27.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2010, Vietinbank cũng đã giải ngân được thêm gần 30.000 tỷ đồng phục vụ cho vay nhóm này trong giai đoạn tiếp theo. Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank, khẳng định: “Chúng tôi không đặt quá nhiều mục tiêu lợi nhuận ở nhóm nông nghiệp – nông thôn. Ở nhóm khách hàng này, chúng tôi đặt mục tiêu theo hướng vừa hỗ trợ vừa mang lại lợi nhuận cho ngân hàng”.
Khơi mào cạnh tranh, phát triển
- TS Lưu Đức Thanh Hải
Sau Nghị định 41, thị trường tín dụng trong năm 2010 cũng ghi nhận một “hiện tượng”, khi LienVietBank được coi là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tham gia chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp – nông thôn.
Theo đó giai đoạn 2010-2013 ngân hàng này sẽ cho vay lĩnh vực nông thôn khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Cuối năm 2010 vừa qua, LienViet Bank đã cho vay khoảng 1.200 tỷ đồng “thí điểm” ở Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang. Đã có 15.000 hộ nông dân tại ĐBSCL được hưởng lợi trực tiếp lẫn gián tiếp từ đề án này.
Trao đổi với NTNN, TS. Lưu Thanh Đức Hải - Phó Khoa Kinh tế Quản trị Kinh doanh - Đại học Cần Thơ nhận định: “Một khi sân chơi tín dụng nông nghiệp nông thôn không còn dành riêng cho các ngân hàng nhà nước, lập tức sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh nhưng rất quyết liệt. Đây là tín hiệu tốt cho sự phát triển khu vực kinh tế nông nghiệp. Điều này cũng cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của thị trường tín dụng nông thôn đang “nóng lên” vì đã bị các ngân hàng thương mại bỏ quên quá lâu trong suốt hàng chục năm qua...”.
Quốc Huy