Từ sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, việc phát triển XNHT được coi là con đường tất yếu vừa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, qua đó từng bước hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa nông thôn và nhất thể hóa nông thôn - thành thị.
Năm 2007, XNHT đã đóng góp cho nền kinh tế Trung Quốc 6.962 tỷ NDT, chiếm 1/3 tăng trưởng GDP, tăng 332 lần so với giá trị tạo ra trong 30 năm cải cách mở cửa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, XNHT đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức từ sự phát triển của nền kinh tế thị trường Trung Quốc. Sự suy giảm sức cạnh tranh của sản phẩm là biểu hiện rõ nét nhất của XNHT. Nguyên nhân chủ yếu do có sự can thiệp quá sâu của chính quyền vào quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý của XNHT.
Từ đó dẫn tới các biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn cho việc quy phạm hóa hoạt động quản lý cũng như xây dựng cơ chế xí nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, chủ trương sử dụng nhân lực cục bộ, địa phương vô hình trung cản trở quá trình thu hút nhân tài, mặt khác làm gia tăng sự bè cánh, nâng đỡ trong nội bộ. Phương thức kinh doanh vay mượn và cơ chế thầu, khoán khiến cho các đối tác kinh doanh dễ bị rơi vào tình trạng làm ăn chộp giật, không có lợi cho sự phát triển lâu dài.
Trình độ KHKT thấp cũng là một nguyên nhân dẫn tới những khó khăn kể trên. XNHT phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu phát triển theo mô hình gia công tập trung nhiều sức lao động, thiếu sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, thiếu sự đầu tư thích đáng vào máy móc, thiết bị dẫn tới chi phí sản xuất lớn, giá thành thiếu tính cạnh tranh. Mặt khác, nhiều XNHT coi nhẹ hoặc không biết đến giá trị của các tài sản vô hình như tạo dựng và quảng bá thương hiệu, hình ảnh của xí nghiệp. Năng lực quản lý yếu kém, trình độ lao động thấp cũng là một nguyên nhân chủ quan tồn tại khá phổ biến, dẫn đến tình trạng lạc hậu, chậm phát triển chung của toàn hệ thống XNHT.
Để khắc phục những khó khăn trên, trước hết cần có sự thay đổi về cơ chế, bao gồm tổ chức, pháp nhân, lãnh đạo và các cơ chế quản lý cơ bản khác. Chú trọng vai trò của các thành tố KHKT trong sản xuất kinh doanh, nâng cao hàm lượng kỹ thuật của sản phẩm. Đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo môi trường làm việc năng động nhằm thu hút, đào tạo đội ngũ giỏi về kỹ thuật, có trình độ về làm việc tại XNHT.
Bên cạnh đó, XNHT cần chú trọng phát triển CNTT, thông qua Internet để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Cần tạo dựng đội ngũ có trình độ quản lý, tin học, ngoại ngữ để triển khai kinh doanh mạng. Tận dụng tốt những ưu thế về vốn, kỹ thuật, thiết bị và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài nhằm tạo ra đầu nối giữa XNHT với mạng lưới kinh doanh quốc tế. Đây là những vấn đề đang được Chính phủ TQ và các địa phương quan tâm tháo gỡ nhằm tìm ra một lối đi phù hợp cho XNHT trong giai đoạn mới.
Hùng Hưng