Có 60 người thì 59 là lãnh đạo các cỡ, giám đốc sở đến thống đốc ngân hàng, có cả bí thư tỉnh ủy, nhỏ nhất là phó hiệu trưởng trường mẫu giáo, nói theo truyền thống, là giới “cổ cồn”.
Không có người làm ra thóc gạo, con mực, con cá, than đá, máy móc, đồ điện tử; không có người ngày đêm vuốt mặt không kịp với sóng gió bão bùng, với bọn ăn cướp trên biển có tên là “lạ”, đổ cả máu xương thiêng cha mẹ cho để gìn giữ biển và hải đảo; không có những người canh thức khuya sớm để diệt cướp, bắt trộm cho giấc ngủ của nhân dân yên lành.
Chọn thi đua thường đều qua bình bầu. Dân mình có cái tật là hay quên quyền làm chủ, ai nẫng tay trên, ai “móc túi” mất cái quyền ấy cũng mặc kệ, coi như chẳng có. Hơn nữa, bên cạnh cái tật hay lơ là ấy, nhân dân cũng có ưu điểm là “khiêm nhường”, nghĩa là khiêm tốn và nhường nhịn. Cho nên vấn đề là ở các cuộc bình bầu. Nhân dân và thủ trưởng cùng vào cuộc. Hai bên nhìn mặt nhau, cùng kể thành tích.
Thủ trưởng thành tích nhiều hay ít không biết nhưng chắc là nói giỏi và có thể nói dài. Nhân viên (nhân dân) thì làm mà không nói (hoặc nói ít). Không phiếu kín mà giơ tay. Đố ai không bầu thủ trưởng? Vừa nể lại vừa sợ. Thủ trưởng không nhường thì nhân dân sẵn sàng nhường.
Mấy ai có đủ liêm sỉ để từ chối danh và lợi? Mấy ông thủ trưởng biết nghĩ mình lĩnh lương cao, bổng lộc quanh năm, sáng kiến thường do tổng kết của tập thể, cái “miếng” mình xơi hết rồi, còn chút “tiếng” thi đua nên nhường cho nhân dân? Cho nên, cũng nên đặt thêm nội dung thi đua “giữ gìn liêm sỉ, nhân cách và không tham lam danh lợi”, khéo lại hay. Vì liêm sỉ và nhân cách đàng hoàng vốn là khắc tinh của tham nhũng và ăn gian nói dối mọi thứ.
Nguyễn Quang Thân