Rộ lên chuyện ăn gian xăng dầu của khách hàng ở các cây xăng, một chuyện đã “xưa như trái đất” ở Việt Nam, khiến ông Tổng cục phó Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN phải kêu lên rằng: “Gian lận ngày càng tinh vi”.
Nhưng đâu chỉ gian lận ở các cây xăng. Sự gian lận đã len lỏi “đến từng centimet” trong đời sống, ở nhiều lĩnh vực. Bằng cấp gian, học lực gian, học phí gian, thậm chí tới cả trường đại học cũng có “trường… gian”.
Rồi quốc lộ 1 đoạn qua miền Trung mới được sửa chữa lớn và đưa vào sử dụng chưa đầy 3 tháng đã xuất hiện những ổ gà, ổ trâu, thậm chí ổ…voi tùm lum trên mặt đường. Trông một đoạn quốc lộ chạy qua tỉnh Quảng Ngãi cứ giống như đoạn đường “tiêu thổ kháng chiến” đã từng nổi tiếng qua bài thơ “Phá đường” của nhà thơ Tố Hữu: “Thằng Tây mà cứ vẩn vơ/Có hố này chờ chôn sống mày đây!”.
Nguyên nhân của những con đường bị phá này thì bên nhà đầu tư và nhà thầu đổ cho lũ lụt, còn nhân dân thì thừa biết chỉ là do… gian. Sự gian lận trong thi công là nguyên nhân chính dẫn tới những đoạn đường “tiêu thổ” này.
Khi sự gian lận đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, đầu độc sự trong lành của đời sống, thì nếu cả xã hội không lập tức “nói không” với nó, mọi sự lâu dần sẽ thành quen, thành chuyện “cứt trâu hoá bùn”, hay chúng ta sẽ bị buộc phải “sống chung với… gian lận”.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng một xã hội văn minh. Nhưng cốt lõi của xã hội văn minh chính là sự minh bạch và trung thực. Người lớn không thể “làm gương” cho trẻ con bằng những hành động và lời nói sai sự thật, thậm chí giả dối, kiểu như nói các hồ chứa nước thủy điện ở miền Trung xả lũ chết dân mà là “không có vấn đề gì lớn”, “hồ thủy điện không phải nguyên nhân gây lũ lớn”v.v...
Bên Australia, người ta đã áp dụng một phần mềm đặc biệt trong các trường đại học: Đó là phần mềm “chống đạo văn”. Mỗi sinh viên khi viết dù là một bài luận nhỏ, đều phải nêu trích dẫn nguồn mỗi khi dùng ý tưởng hay văn người khác, và phần còn lại phải do mình tự nghĩ ra. Những kiểu “đạo văn ý tưởng” vẫn bị phần mềm này phát hiện.
Sinh viên-dĩ nhiên là cả giáo viên sẽ bị đình chỉ thi, đình chỉ dạy nếu cứ tiếp tục “đạo văn” mấy lần liền. Nếu phần mềm chống đạo văn này mà được áp dụng tại các trường đại học Việt Nam, thì kết quả sẽ ra sao nhỉ?
Nếu “Đẹp đến từng centimet” mới chỉ thấy trên phim truyền hình nhiều tập, thì “Gian lận đến từng centimet” đã thấy nhan nhản trong đời sống xã hội. Nguy thay!
Thanh Thảo