Dân Việt

Ra đảo học lính "bí kíp"... nuôi, trồng

28/10/2012 06:38 GMT+7
(Dân Việt) - Trong chuyến công tác tới Trạm ra - đa 480, Trạm ra - đa 485 của Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân (Quân chủng Hải quân), chúng tôi rất ngỡ ngàng trước hiệu quả tăng gia, chăn nuôi của hai đơn vị.

Nhiều người dân từ đất liền đã phải ra đảo để học các anh cách chăn nuôi, trồng trọt với mong muốn thoát nghèo.

Xua hơi muối mặn

Trạm ra - đa 480 đóng quân ở đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh). Đến đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi đang trong mùa hè mà ở đó lại có những luống rau trái mùa như bắp cải, su hào, súp lơ được trồng xen lẫn với rau muống, dền cơm, mồng tơi xanh non mơn mởn.

img
Chiến sĩ Trạm ra - đa 480 chăm sóc rau xanh.

Như đoán được thắc mắc của mọi người, đại úy Nguyễn Đức Nam - Trạm trưởng giải thích: “Anh em khử được hơi muối mặn của biển bám vào lá rau nên trạm đã dư thừa rau ăn, từ đó, cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu và trồng thêm rau cao cấp, rau trái vụ và rau phục vụ công tác chăn nuôi”.

Khi Trạm ra - đa mới thành lập (1979), cán bộ, chiến sĩ chưa hiểu tác động của gió biển ảnh hưởng đến tăng gia sản xuất nên việc trồng và chăm sóc rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Suốt 2 năm họ đã xoay xở nhiều cách nhưng cây rau trồng xuống đều có đặc điểm chung là nhú mầm rồi lại héo úa và chết.

Ngày đó, anh em muốn ăn một bữa cơm đủ “chất xanh” chỉ có cách duy nhất là nhờ đất liền gửi ra, sau nhiều lần tìm tòi, nghiên cứu biện pháp khắc phục, các anh đã phát hiện ra nguyên nhân làm cho rau chết và sinh trưởng chậm là do hơi muối của nước biển bám vào lá cây.

Đảo Trần nằm ngoài vịnh Bái Tử Long, ở vùng nước sâu, gió mạnh mang nhiều hơi muối nên không thể áp dụng cách tăng gia sản xuất như ở những vùng biển gần bờ. Do vậy, phương pháp canh tác mới đã được cán bộ, chiến sĩ lên phương án và thực hiện triệt để.

Ngoài việc làm đất tơi xốp, ủ phân kỹ, các anh còn trải đều rơm lên các luống rau và tưới nước ngọt nhiều lần trong ngày vào các thời điểm: Trước giờ báo thức, trước giờ huấn luyện, khi trời hết nắng, chập tối và trước khi đi ngủ.

Các anh cũng trồng những hàng cây keo lai, bạch đàn chắn gió. Và để có lượng nước ngọt cần thiết cho tăng gia, các cán bộ, chiến sĩ đã khai thác mạch nước ngầm trong khe núi đá, bắc máng dẫn nước tới các ao được đào nối tiếp nhau. Các giàn bầu, bí, su su, mướp cũng được làm sát mặt ao để hơi nước ngọt bốc lên xua sương muối mặn của gió biển đọng trên lá và ngọn cây.

Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch tăng gia sản xuất, các tổ chủ động xây dựng chương trình gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch rau xanh. Việc mua rơm, hạt giống trong đất liền, đến nghiên cứu học tập kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi được cán bộ, chiến sĩ thực hiện chu đáo, chặt chẽ. Bởi vậy mà vườn rau rộng 1.800m2, hệ thống giàn hơn 1.500m2 của cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn xanh tốt quanh năm, mùa nào thức ấy.

Những lúc rau xanh nhiều mà bộ đội ăn không hết, các anh lại lấy sản phẩm tăng gia làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Thời điểm đoàn chúng tôi tới thăm, trạm có 20 con bò, hơn 100 con dê, 12 con lợn, hơn 600 con gà và khoảng 2 tấn cá sắp cho thu hoạch. Từ sản phẩm tăng gia, chăn nuôi mà hằng năm cán bộ, chiến sĩ bổ sung vào quỹ vốn của đơn vị hơn 400 triệu đồng.

Nhờ có kinh nghiệm trong tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản nên khi vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh ra đảo (gia đình thanh niên tình nguyện đầu tiên đến đảo lập nghiệp theo chủ trương của Tỉnh đoàn Quảng Ninh), các anh đã tư vấn giúp đỡ họ phát triển kinh tế kịp thời. Từ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 480 mà anh chị đã có thu nhập ổn định, xây nhà khang trang và quyết tâm bám đảo lập nghiệp.

Anh cho biết sẽ vận động nhiều cặp vợ chồng trẻ ở quê hương mình (xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) ra đảo cùng nhau lập nghiệp, bám biển làm giàu…

Giúp dân nuôi hải sản

Chúng tôi tới Trạm ra - đa 485, đóng quân ở đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khi mặt trời vừa đứng bóng. Đón đoàn công tác ngay tại cổng đơn vị là đại úy Nguyễn Văn Điệp- Trạm trưởng. Sau cái bắt tay thân mật, thấy nhiều người để ý tới bộ quân phục loang những vệt muối trắng hai bên vạt áo của mình, anh Điệp giải thích ngay: “Tôi vừa đi kiểm tra việc chăm sóc các dây hàu và lồng tu hài”.

Nói rồi anh dẫn chúng tôi tới khu vực chăn nuôi hải sản của trạm khi anh em tổ chăn nuôi đang vệ sinh các dây hàu. Trung úy Hoàng Văn Trường - Trạm Phó quân sự, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi, cho biết, công việc này được tổ chăn nuôi tiến hành 1 tuần một lần vào ngày nghỉ. Ngoài ra, trong giờ tăng gia buổi chiều, tổ phân công các cá nhân thường xuyên kiểm tra mức độ tăng trưởng của tu hài và thay cát trong lồng nuôi thường xuyên...

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 485 đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã đảo Bản Sen giao mặt nước cho các hộ dân quản lý; tổ chức các lớp tập huấn phương pháp chăn nuôi cho bà con và thành lập hội chăn nuôi theo vùng.Từ việc nuôi hải sản của các gia đình đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Bản Sen giảm từ 70,3% (năm 2003) xuống còn 10% (năm 2011).

Đại úy Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Chi phí cho mỗi bè khoảng 50 triệu đồng. Nuôi tu hài và hàu đều không mất tiền thức ăn. Mỗi vụ nuôi chỉ từ 9 - 12 tháng, nhưng giá trị thu hoạch lại rất cao. Theo giá thị trường hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg hàu và gần 100.000 đồng/kg tu hài. Trừ các khoản chi phí như mua lồng, bè, con giống... người chăn nuôi sẽ thu lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 số tiền vốn ban đầu bỏ ra”.

Để công tác chăn nuôi đa dạng, có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, bổ sung nguồn quỹ vốn tăng gia của đơn vị, các anh đã tận dụng quỹ đất quanh trạm và ven biển chăn thả nhiều loại gia súc, gia cầm. Thời điểm chúng tôi tới đây, trạm có hơn 500 dây nuôi hàu và lồng tu hài, 1 bãi nuôi sò, gần 40 con bò, dê, lợn; hơn 500 con gà, ngan, vịt siêu trứng…

Từ mô hình chăn nuôi dưới biển, trên bờ thành công của Trạm ra- đa 485 mà người dân xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tới học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ngày một đông. Tổ chăn nuôi của đơn vị chẳng ngại “lộ bí mật”, tận tình hướng dẫn bà con, có những thời điểm các anh đã cùng người dân xã đảo Bản Sen thức thâu đêm trên biển để giúp các hộ gia đình trong xã thả tu hài cho kịp thời vụ.

Ông Hoàng Văn Long (thôn Đồng Rôm) là hộ nghèo trong xã đã vươn lên thành hộ giàu, khẳng định với chúng tôi: “Bộ đội Ra-đa hải quân đảo Trần đã giúp gia đình tôi có ngày hôm nay”. Điều này được ông Lê Hồng Phương - Chủ tịch UBND xã Bản Sen xác nhận: “Mô hình chăn nuôi của Trạm ra- đa 485 được bà con trong xã học tập và làm theo để vươn lên thoát khỏi đói nghèo”.