Dân Việt

“Tử thần” thuốc lá!

28/10/2012 06:16 GMT+7
(Dân Việt) - 4,2% số người dân Việt Nam mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đáng nói có đến gần 90% số người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá. Nhiều người ốm yếu, kiệt quệ, nhưng vẫn không bỏ thuốc lá.

Hút thuốc đến chết

Ông Trần Quang (58 tuổi, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) đang điều trị tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), được chẩn đoán bị bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính từ năm 2009. Ông thường xuyên tức ngực, mệt mỏi, khó thở và ho kéo dài. Ông cho biết, mình hút thuốc lá từ lúc nhập ngũ thời trai tráng, tính đến nay đã được gần 40 năm. Tuy các bác sĩ đã cảnh báo hút thuốc sẽ làm bệnh tăng nặng, nhưng ông Quang vẫn không bỏ được.

img
Điều trị cho bệnh nhân COPD tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hơn 90% số bệnh nhân mắc COPD có tiền sử hút thuốc lá đang điều trị nội trú tại Trung tâm Hô hấp là nam giới. Tuy nhiên, bà Mai Thị Ngọc (70 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là trường hợp khá đặc biệt. Bà cho biết đã hút thuốc lào từ thuở lên 10. Hồi nhỏ, bà thường theo các ông, các bác đi đánh chắn, đánh cờ, các ông hút thuốc lào rồi “động viên” cháu gái thử nên nghiện. Mới đây, bà ho nhiều, nuốt khó. Đi khám, các bác sĩ kết luận bà bị u vòm họng kết hợp với bệnh COPD.

Tiến sĩ Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, trong số khoảng 6.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm tại Trung tâm Hô hấp thì có đến 30% là bệnh nhân COPD. Các bệnh nhân COPD có độ tuổi trên 50 và có đến 90% số họ có tiền sử hút thuốc lá trên 30 năm. Số còn lại là hút thuốc lá thụ động hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi độc hại khác.

“Cho dù đã được nhắc nhở bỏ thuốc, nhưng đa phần bệnh nhân vẫn hút. Có lẽ, do bệnh không “chết ngay” nên họ vẫn chưa sợ” – tiến sĩ Hạnh cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có hơn 300 triệu người mắc COPD và dự đoán đến năm 2020, bệnh này sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới.

Bệnh trọng

PGS-TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban điều hành Dự án Phòng chống bệnh COPD quốc gia cho biết, COPD là bệnh mạn tính, không gây nguy hiểm tức thì cho người bệnh, nhưng người bệnh sẽ thường xuyên bị thiếu oxy trong máu, gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ho, suy nhược, thậm chí không di chuyển được. Hậu quả là người bệnh mất sức lao động, thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân.

Ngày 10.11, để hưởng ứng Ngày COPD toàn cầu, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến khám sàng lọc và phát thuốc miễn phí cho khoảng 1.000 người. Những người có biểu hiện ho, ho ra đờm, khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi và hút thuốc trên 10 năm hoặc môi trường làm việc độc hại… nên đến khám. Đăng ký tại số điện thoại: 04.36291207. Email duanbenhphoi@gmail.com

Theo tiến sĩ Hạnh, COPD dễ dẫn đến các biến chứng bệnh phổi khác như viêm phổi, tràn khí màng phổi, u phổi và khiến nhiều bệnh khác nặng thêm như suy tim, tiểu đường… “Biểu hiện của bệnh không nguy hiểm, nhưng kéo dài sẽ gây tử vong” – tiến sĩ Hạnh cho biết.

Cũng vì bệnh phải điều trị lâu dài nên nhiều bệnh nhân chủ quan, không tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc. Có bệnh nhân thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm thì tự ý dừng uống thuốc khiến bệnh nặng thêm và lần điều trị sau phải tăng liều lượng thuốc.

Theo tiến sĩ Châu, các bệnh nhân ở nông thôn hoặc người nghèo với điều kiện sống ẩm thấp, ăn uống không tốt, không có tiền mua thuốc, không tái khám… là những nguyên nhân khiến bệnh COPD không được ngăn chặn. Ngoài ra, thói quen hút thuốc khiến cho bệnh nhân mắc nhiều bệnh một lúc như ung thư, tăng huyết áp, mạch vành… Những bệnh này liên quan đến nhau và khiến cho bệnh càng nặng hơn.