Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Hồi 13 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Đường đi của bão số 8 |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 110 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 1 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km, đi vào đất liền.
Để kịp thời ứng phó với bão số 8, chiều 26.10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, đến nay vẫn còn hai phương án đổ bộ của bão tồn tại song song. Phương án 1, bão sẽ đổ bộ vào khoảng Quảng Bình và Nam Hà Tĩnh, quanh khu vực đèo Ngang. Phương án 2 ít xảy ra hơn là bão dịch lên phía Bắc, đổ bộ vào Nghệ An.
Theo đánh giá của bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, bão số 8 là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây và là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm nay. Đặc biệt, bão không đi vào vuông góc với đất liền mà “quét” dọc bờ biển rồi mới đổ bộ nên hết sức nguy hiểm.
Một điểm nguy hiểm khác của cơn bão này là chính là mưa. Theo ông Bùi Minh Tăng, từ chiều tối 27.10, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ có mưa sau đó lan rộng ra khu vực phía Bắc. Lượng mưa từ Thanh Hóa đến Quảng Trị từ 27.10 đến hết ngày thứ 2 là rất lớn, trung bình khoảng 300-400 mm, có nơi lên đến 500-600 mm, khả năng gây ngập lụt cao.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết đến trưa 26.10 kêu gọi được 38.054 tàu thuyền với 192.000 người di chuyển tránh trú bão. Hiện ở quần đảo Hoàng Sa còn 3 tàu với 39 người không về bờ. 7 tàu đang trên đường vào bờ. Các tàu trong vùng nguy hiểm vẫn đang giữ được liên lạc và đang được hướng dẫn lên đảo tránh trú hoặc di chuyển ra vùng an toàn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Các địa phương phải chỉ đạo hết sức chi tiết. Ở những khu vực nguy hiểm, ngoài việc kêu gọi người dân di dời cần phải đi kiểm tra trực tiếp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc ứng phó với mưa sau bão gồm việc đảm bảo an toàn giao thông trong lụt bão, an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông.
Bảo An