Liên quan đến việc quản lý các phòng khám xét nghiệm máu để chẩn đoán giới tính thai nhi, NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tân – Tổng cục phó Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).
Ông Nguyễn Văn Tân cho biết: Với sự phát triển chóng mặt của khoa học, từ siêu âm đen trắng lên màu, từ 2D, lên 3D đến 4D, rồi mới đây là xét nghiệm máu đã “tiếp tay” cho tư tưởng trọng nam khinh nữ. Việc chẩn đoán giới tính thai nhi lại có sự thông đồng giữa bác sĩ siêu âm và bà bầu nên khó mà tìm ra bằng chứng để xử phạt. Gần đây nhất, chúng tôi mới xử phạt được 1 vụ ở Hưng Yên, 2 vụ ở Kiên Giang.
Ông Nguyễn Văn Tân – Tổng cục phó Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) |
Việc xét nghiệm đoán giới tính tác động thế nào tới mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh?
- Từ tháng 4.2011, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đã là 119 trẻ em nam/100 trẻ em nữ và có xu hướng tăng lên. Một số tỉnh giáp Hà Nội là những điểm nóng. Cao nhất là Hưng Yên 130/100, tiếp đó đến Bắc Ninh 126/100, rồi đến Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Ngãi… Hà Nội cũng ở mức 115/100 và đang tăng. Lý do chủ yếu là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu, người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế cao, đời sống kinh tế dư dả, dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Ông nhận định thế nào về kỹ thuật xét nghiệm máu xác định giới tính thai nhi?
- Chúng tôi chưa có nghiên cứu hay điều tra nào về xét nghiệm này. Nhưng theo tôi được biết, đây là một xét nghiệm có nguồn gốc từ một nghiên cứu của Mỹ, mới được đưa vào VN khoảng 1 năm trở lại đây. Chưa có nghiên cứu về độ xác thực của nó. Tuy nhiên, nó đặc biệt nguy hiểm đối với việc mất cân bằng giới tính thai nhi. Bắt mạch, uống thuốc để lựa chọn giới tính thì nhiều người vẫn cho rằng “lang băm”. Siêu âm thì 12 tuần tuổi mới biết rõ giới tính, việc phá thai cũng nguy hiểm. Nhưng xét nghiệm máu chẩn đoán giới tính có thể thực hiện từ 6-8 tuần tuổi, vì thế, nếu nở rộ sẽ nhiều người theo.
Theo ông, đâu là biện pháp để giảm bớt điều này?
- Hiện nay, chúng ta đang áp dụng hình thức xử phạt cho tình trạng này theo Nghị định số 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về khám chữa bệnh. Nhưng nói thật là hình thức xử phạt nhẹ quá. Hiện chúng tôi đang xây dựng dự thảo Nghị định để xử phạt chẩn đoán giới tính, nhưng trình lên trình xuống vẫn chưa được thông qua. Đáng buồn là trong khi đó vấn đề mất cần bằng giới tính khi sinh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Các điểm mạnh trong Dự thảo nghị định xử phạt là gì, thưa ông?
- Mức xử phạt các cơ sở lựa chọn giới tính thai nhi hiện nay chỉ là 10-15 triệu đồng, thực sự quá nhỏ so với lợi ích của các phòng khám này thu được. Vì thế, chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, sau kiểm tra, người ta lại hoạt động kín kẽ hơn, khó phát hiện hơn. Dự thảo Nghị định lần này có mức phạt từ 50-100 triệu đồng, ngoài ra còn thu hồi giấy phép hành nghề.
Đồng thời, để tìm ra bằng chứng xử phạt, dự thảo Nghị định cũng đề xuất công an tham gia vào lực lượng thanh kiểm tra các cơ sở siêu âm, xét nghiệm. Vì chỉ họ mới có nghiệp vụ để tìm được bằng chứng xử phạt. Dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh về việc nạo phá thai có điều kiện. Những thai nhi trên 12 tuần tuổi thì không được phá. Nhưng điều này lại chỉ hạn chế siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, với xét nghiệm máu chẩn đoán giới tính từ 6-8 tuần tuổi thì dự thảo này đã lại lạc hậu.
Theo ông, cần thêm các giải pháp “bổ trợ” gì để hạn chế việc lựa chọn giới tính?
- Tư tưởng coi trọng con trai có nhiều nguyên căn từ quan điểm Nho giáo (thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường), kinh tế (trụ cột kinh tế, nuôi bố mẹ già) vì thế, ngoài việc tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt các cơ sở y tế lựa chọn giới tính, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ người dân để họ an tâm với việc sinh con một bề, như: Hỗ trợ kinh tế cho gia đình chỉ có con gái, tăng cường các hệ thống chăm sóc xã hội, tăng vị thế phụ nữ…
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (thực hiện)