Dân Việt

Nhiều lễ hội xuân vẫn còn "chướng tai, gai mắt"

10/02/2011 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Tại nhiều lễ hội ở các địa phương, bên cạnh việc đã phát huy được bản sắc văn hóa, còn nhiều hình ảnh thật "chướng tai, gai mắt".

Trang bị tới "chân răng"

"Đầu năm đi lễ, cuối năm đi tạ" từ bao đời nay đã trở thành thông lệ của người dân Việt vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Lường trước những tiêu cực, biến tướng lễ hội sẽ tái diễn, các ban ngành chức năng đã sớm "ra quân".

img
Chen chúc ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội) sáng mùng 1 Tết.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: "Bộ VH-TT&DL đã thành lập 3 đoàn thanh tra do 3 thứ trưởng làm trưởng đoàn đi làm việc với các tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị, hậu cần, nhất là công tác phân luồng để tránh ùn tắc. Và sau cùng người dân cần thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa…".

Ở nhiều cấp cơ sở cũng có những kế hoạch chu đáo. Chuẩn bị cho lễ hội Bà Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam), khách thập phương đã đóng góp gần 200 triệu đồng để xây dựng lại tường rào, cổng ngõ, đường đi… Học sinh tiểu học trong toàn xã đã ra quân dọn dẹp vệ sinh trên trục đường chính.

Ông Lưu Công Năm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho khách thập phương đến vui với lễ hội, chúng tôi sẽ quản lý giá cả về ăn uống, ngủ nghỉ". UBND xã cũng quán triệt tư tưởng cho bà con không tổ chức cá độ dưới mọi hình thức, nhất là trong các trò chơi dân gian dễ có hiện tượng cá cược như đá gà, thi nghé.

Theo đánh giá bước đầu của chúng tôi, nhiều lễ hội năm nay đã được các ban ngành quản lý phối hợp tổ chức khá tốt, như phân luồng giao thông, hạn chế được nạn móc túi, sư giả, bói toán mê tín dị đoan…

Tiêu cực vẫn "lọt lưới"

Từ trước Tết, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, nạn ăn xin nài ép khách, tổ chức tốt việc xử lý rác phế thải…

Mặc dù vậy, hiện trạng lễ hội hiện nay vẫn không khỏi có nhiều bức bối. Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP, những hành vi đốt đồ mã tại các nơi công cộng, lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 75 là từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Nhiều đền chùa như phủ Tây Hồ (Hà Nội) cũng đã treo bảng không cho cúng và đốt các đồ hàng mã cụ thể như hình nhân thế mạng, ông lốt (tam đầu cửu vĩ), ngựa, voi, rừng cây…, kèm theo quy định mỗi người dân chỉ được thắp một nén nhang khi hành lễ. Nhưng "lách quy định", cũng có nhiều hình ảnh không đẹp, thay cho việc cắm hương vào bát hương, nhiều người lại cắm hương vào các gốc cây trong đền chùa.

Anh Toán - nhân viên quản lý đền Cửa Ông (Quảng Ninh) nhận xét: "Người dân cứ quan niệm đã ở đền, chùa thì chỗ nào cũng linh thiêng và trong quy định cũng không ai cấm thắp hương ở gốc cây", thế nên nhiều bà con châm hương mù mịt, "cứ gốc cây, hốc cây ta cắm".

Lễ hội đầu năm tiếp tục đồng nghĩa với việc hàng loạt các dịch vụ mọc lên để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên hơn một cây số đường vào phủ Tây Hồ, hàng trăm hàng ăn, bán đồ vàng mã… với giá cả đắt hơn ngày thường nhiều lần.

Chị Vân ở TP.HCM nói: "So với Sài Gòn thì không khí Tết ở đình, chùa Hà Nội sôi động hơn hẳn. Nhưng giá cả "chặt chém" thì kinh quá!". Một đĩa bánh tôm Hồ Tây được phục vụ thực khách với giá "vọt" lên 100.000 đồng.

Một chủ quán hồn nhiên: Ngày Tết mọi người đi chơi, chúng tôi phải ở nhà phục vụ nên đẩy giá cao lên một chút lấy chút lộc đầu năm. Với lại để giá thế cho "tròn tiền" lúc thanh toán cho nhanh!".

Đây cũng là dịp để các điểm trông giữ xe nâng giá bừa bãi. Hội gò Đống Đa (Hà Nội), giá gửi xe máy lên đến 10.000 đồng/xe. Tại đền Cặp Tiên ở Vân Đồn, Quảng Ninh, người trông giữ chỉ biết thu tiền gửi xe, còn việc để xe ở đâu, chỗ nào thì các lái xe tự tìm chỗ.

Nhiều dịch vụ "ăn theo" cũng được mở ra như bán bình nhựa đựng nước thánh ở đền Cặp Tiên, dịch vụ "dìu người" leo núi ở Yên Tử - Quảng Ninh, sắp lễ khấn hộ ở đền Bà Chúa kho, Bắc Ninh…