Dân Việt

Người 66 năm kèn trống khóc thuê

11/02/2011 13:13 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là ông Nguyễn Đình Kiên, trú tại xã Đông Xuân, huyện Đô Lương, Nghệ An. Theo năm tháng, ngày nắng cũng như ngày mưa, không kể tối hôm, hễ có ai qua đời, ông lại vác trống mang kèn đến phục vụ.

Kiên mới lên 1 tuổi đã mồ côi cha, đến năm 9 tuổi lại mồ côi mẹ, lang thang đi ăn xin. Lên 10 tuổi, ông bắt đầu theo các cụ trong làng đi phục vụ ma chay cho những người xấu số qua đời. Một thời gian sau (đầu năm 1946), ông mày mò làm được chiếc kèn bằng mảnh nhôm, xin các cụ được cái trống gỗ, từ đó ông chính thức bắt đầu theo nghề ma chay.

img

Ông Nguyễn Đình Kiên.

Theo năm tháng, ngày nắng cũng như ngày mưa, không kể tối hôm, hễ có ai qua đời, ông lại vác trống mang kèn đến phục vụ. Ông coi việc kèn trống khóc người là lẽ sống…

Giờ đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy với 66 năm làm nghề kèn trống, ngoài cái nghề phục vụ ma chay cho những người xấu số, ông còn gắn bó với nghề chăn bò cho thiên hạ mà không đòi hỏi công lao gì. Hàng ngày, ông cầm cây gậy ra đứng ở đầu làng, hễ ai nhờ trông bò là ông gật đầu nhận lời. Mỗi ngày, ông nhận chăn tới 50-70 con bò. Ai không biết tưởng rằng ông là chủ một trang trại nuôi bò.

Căn nhà ông ở trước kia có tới vài chục cái trống. Mới đây do tình trạng sức khỏe không được tốt, ông đem tặng cho Hội Cựu chiến binh xóm và xã lưu giữ, chỉ giữ lại 2 chiếc gắn bó với ông suốt cuộc đời. Cái kèn với cái trống của ông cũng là những vật đặc biệt.

Ông kể, kèn thì ông tự làm được bằng vỏ lon bia, tấm tôn, còn những chiếc trống thì ông phải mua. Để có tiền mua trống, ông phải đi mót từng hạt thóc người dân gặt rơi vãi ngoài đồng, đi gom phân trâu, phân bò về bán. Lúc đầu ít tiền ông mua trống nhỏ, khi nhà nước hỗ trợ cho 120.000 đồng/tháng ông mua trống to hơn. Cứ thế theo thời gian, có bao nhiêu tiền ông đều dồn vào mua trống mang đi phục vụ dân làng.

Ông Kiên nói, ông sống một mình nên chẳng đòi hỏi gì, việc trống kèn khóc mướn tới nuôi bò ông làm không công, xem như mình làm được một việc tốt. Cầm gói bánh trên tay, ông nói trong niềm tự hào: “Những gói bánh này bà con làng xóm cho tui đó. Mình sống có đức, sống tốt với mọi người rồi họ sẽ đáp lại thôi”.