Ông Năm Thanh, nhà ở khu chợ, cho biết: “Cuộc sống của bà con cơ cực quanh năm. Nghề chài cá phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi được, khi không nên nhà nào đủ ăn đã là may lắm!”. Theo lời ông Thanh, năm 1998, thực hiện chủ trương bảo vệ đê điều và đường ống dẫn khí, toàn bộ các hộ sinh sống ngoài đê được di dời vào bên trong và gom về phía cuối thôn định cư.
Đang trong giờ học nhưng nhiều trẻ em thôn Phước Long vẫn lang thang chơi đùa. |
Ở đó, mỗi hộ được cấp một mảnh đất rộng khoảng 100m2, có nhà cấp 4 xây sẵn. Thế nhưng, nhiều hộ bán nhà, bán đất để rồi lâm vào cảnh ăn đợ, ở nhờ. Quanh khu nhà ông, hầu hết các nhà lấy ghe, xuồng làm nghiệp. Vào mùa biển lặng, sóng yên, ghe, xuồng sớm tối ra biển nhưng đánh bắt thủ công chẳng kiếm được là mấy.
Nước cạn ghe neo, cả làng lại dài lưng thất nghiệp. Cảnh đói nghèo năm nào cũng lặp đi, lặp lại mà chẳng biết khắc phục ra sao. Ông Lê Văn Phú - Trưởng thôn Phước Long, cho biết: Tình trạng nghèo và tái nghèo ở Phước Long mỗi năm một cao là do không có nghề nghiệp ổn định lại chỉ quen đi biển nên khó đổi nghề, thành thử nghèo vẫn hoàn nghèo, chẳng khá lên được.
Không chỉ đói ăn mà người dân Phước Long còn đói cả con chữ. Nhiều đời sống dập dềnh sông nước nên việc học hành chẳng được quan tâm. Bởi vậy đa phần bà con không biết chữ, viết họ tên mình cũng rất khó khăn.
Từ ngày định cư trẻ em mới được khuyến khích tới trường nhưng vì đói nghèo và tâm lý “ăn xổi ở thì” nên nhiều đứa trẻ vẫn chưa được cha mẹ cho tới lớp. Đến Phước Long dễ dàng bắt gặp từng tốp em nhỏ đang tuổi học hành nhưng chỉ lang thang chơi đùa nơi lề đường, rãnh nước mặc dù cách đó không xa là Trường Tiểu học Trưng Vương khá khang trang, rộng rãi.
Theo số liệu thống kê của xã Tân Hòa, tỉ lệ người không biết chữ ở thôn Phước Hòa hiện nhiều nhất xã. Tính đến hết tháng 9 năm nay, trình độ dân trí bình quân chỉ hết lớp 2. Không có kiến thức nên việc học nghề cũng rất vất vả; lao động phổ thông thì lương quá thấp khiến nam, nữ trong làng ngoài làm thuê công nhật chỉ ở nhà hoặc chơi lêu lổng.
Ông Trần Tiến Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, chính quyền đã nỗ lực mở lớp xoá mù chữ, lớp dạy nghề cho người dân nhưng số đi học rất ít. Vấn đề ở đây là ý thức và sự nỗ lực của nhân dân thôn Phước Long tự vượt qua rào cản tâm lý, đổi mới cách nghĩ, tầm nhìn để sớm thoát nghèo.
Hoàng Đình Thành