Dân Việt

“Vua” diệt thú dữ miền Tây Bắc

11/02/2011 13:41 GMT+7
(Dân Việt) - Trong 21 năm hành nghề săn bắn, ông Liêu đã hạ gục hàng trăm con thú dữ, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân suốt dặm dài Tây Bắc.

Nhắc đến tên ông là nhắc đến một huyền thoại có thật ở nơi có dòng sông hùng vĩ "Đà Giang độc bắc lưu". Tìm về thôn Dộc Yểng, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, vòng vèo qua rất nhiều vách núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà của ông vua săn thú dữ lừng lẫy một thời.

Dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông Trần Văn Liêu vẫn đang phô tấm thân săn chắc giúp con trai cuốc đất trồng rau giữa cái lạnh sắt se của những ngày đông tận.

Hội săn thú dữ

img

Ông Trần Văn Liêu

Hồ hởi đón khách vào nhà, ông bắt đầu ngay câu chuyện mà chúng tôi nghe cứ ngỡ là huyền thoại. Ông kể: Quê gốc tôi ở tận xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, tôi được phân công công tác trong Ban Kiểm tra - Liên lạc Tỉnh đội Hà Nam. Năm 1953, trước hoàn cảnh thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, tôi theo một tổ chức cách mạng lên Hòa Bình xây dựng căn cứ.

Thừa thắng xông lên, không chỉ dẹp hết nạn thú dữ ở Dốc Cun, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy… của tỉnh Hòa Bình, ông Liêu còn đi dọc theo dòng sông Đà hùng vĩ, trở thành người thợ săn danh tiếng khắp các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn…

Khi ấy, vùng rừng núi này vẫn còn rất hoang vu, phóng mắt nhìn khắp nơi cũng chỉ thấy lẻ tẻ dăm mái nhà. Nhà của những người Mường bản địa ở đây đều là nhà sàn để tránh thú dữ. Thế nhưng vì thú dữ quá nhiều, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm khi trời vào đông, thức ăn thiếu thốn, hổ dữ luôn mò vào nhà dân bắt trâu, bò và tấn công người. Dân sợ đến nỗi không dám nhắc đến tên của "chúa sơn lâm".

Tận mắt chứng kiến 1 cán bộ đại đội đi tắm suối bị hổ bắt, 1 cô gái phơi phới tuổi xuân ngủ ở chòi trông ngô bị hổ ăn thịt... ông Liêu nóng lòng như ngồi trên đống lửa. Sẵn có tài thiện xạ được đào tạo trong quân ngũ, lại tinh ý học được nhiều kỹ năng săn bắn của người bản địa, ông Liêu nảy ra ý tưởng thành lập một tổ thợ săn đi diệt thú dữ bảo vệ cuộc sống người dân. Ý tưởng của ông được chính quyền từ xã đến tỉnh nhiệt liệt hoan nghênh.

Cuối năm 1953, Ban săn bắn thú dữ bảo vệ sản xuất xã Đồng Tâm được thành lập và ông Liêu được cử làm trưởng ban. Hừng hực là thế, quyết tâm là thế, nhưng để bắn hạ được "chúa sơn lâm" có sức mạnh vô song thì không phải chuyện dễ dàng.

Trăn trở mãi, cuối cùng ông Liêu cũng nghĩ ra một cách. Ông cải tiến chiếc bẫy hổ cồng kềnh do lính Pháp làm thành một chiếc bẫy gọn nhẹ, nhạy bén và có thể gập lại dễ dàng. Để hổ không thể kéo bẫy đi mất, ông thiết kế thêm 2 cái móc và sợi xích sắt buộc vào gốc cây. Chiếc bẫy này sẽ làm cho "chúa sơn lâm" bị thương và chỉ có thể di chuyển trong vòng dây xích.

Theo dấu phân của loài thú dữ này, con hổ đầu tiên mà ông Liêu phát hiện được ở trong một cánh rừng thuộc Thung Gia, xã Đồng Tâm. Con thú dính bẫy và bị ông Liêu bắn hạ tại chỗ. Khi con hổ được kéo về bản thì người đội trưởng Nông trường bò Sông Bôi nhận ra đây chính là "hung thần" đã bắt 3 con bò của nông trường chỉ trong một buổi chiều trước đó. Cũng từ đấy, Ban săn bắn thú dữ của ông Liêu liên tục lập nhiều chiến công, đem lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân vùng Lạc Thủy.

Nhiều lần chết hụt

img

Không chỉ hổ, các loài thú dữ phá hoại cuộc sống người dân như báo, gấu… cũng bị ông Liêu trừng trị. Tuy nhiên, không ít lần ông may mắn thoát chết trong gang tấc. Những ký ức hãi hùng mà dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại ông Liêu vẫn rùng mình kinh sợ.

Ấy là vào cuối năm 1953, ông cùng 2 thợ săn trong ban bám sát, đặt bẫy đón đường để tiêu diệt 2 vợ chồng con hổ dữ chuyên bắt trâu bò của người dân. Sáng sớm hôm sau, phát hiện có 2 con thú dính bẫy, ông Liêu dùng lao giết chết ngay con hổ đầu tiên ông nhìn thấy.

Bắn hạ hàng trăm con thú dữ, không ít lần chết hụt nhưng cả cuộc đời săn bắn, ông Liêu chỉ bị thương một lần duy nhất vì một con... khỉ. Lần đó, ông dẫn người con út lên rừng săn bắn. Gặp đàn khỉ, con trai ông bắn 1 con rơi xuống khe. Tưởng nó đã chết, ông trèo xuống thò tay lôi lên thì bị con khỉ cắn một phát gãy ngón cái bàn tay phải. Ông phải đi mổ sắp lại xương và nằm viện mất 1 tháng trời.

Còn con thú thứ 2, nghe tiếng thở yếu ớt trong bụi cây, ông tưởng là một con thú hiền lành như nai, hoẵng nên định bắt sống đem về. Ngờ đâu, khi ông vừa vạch lùm cây nhìn vào thì một con mãnh hổ giương vuốt nhảy ra vồ. Theo phản xạ, ông Liêu thụp người tránh được và lăn ra ngoài tầm dây xích trước khi con hổ kịp vồ cú thứ hai. Sau khi bắn hạ con hổ, ông mới phát sốt vì thấy nó lớn quá, nặng hơn 2 tạ với móng vuốt dài và sắc lẹm. Trận đó về, ông không dám ăn một miếng thịt hổ nào mà nằm mê sảng suốt 9 ngày mới hoàn hồn.

Còn một lần chết hụt khác mà ông Liêu nhớ mãi: "Trong một chuyến đi săn thú dữ tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, tôi và 5 anh em khác vào núi để tìm dấu vết con hổ vằn vừa ăn thịt một người dân đi rẫy. Chưa thấy dấu phân hổ nhưng đoàn vừa rẽ vào một khe núi thì con hổ bất ngờ từ một mỏm đá cao phóng ra vồ thẳng vào tôi.

Phản xạ, tôi giương súng bắn ngay nhưng con hổ chỉ bị thương nhẹ nên vẫn tiếp tục lao tới. Tôi lăn người núp ra sau một gốc cây to rồi bắn thêm phát nữa. Con hổ trúng 2 phát đạn liền chui vào trong hang đá trốn. Mãi đến chiều tối, chúng tôi mới bao vây và bắn chết được con hổ đó trong hang. Điều hãi hùng nhất là 3 viên đạn còn lại trong súng của tôi về sau đều xịt".

Không chỉ bị hổ tấn công, có một lần ông Liêu còn bị một con gấu lớn truy đuổi suốt 5 tiếng đồng hồ. Đó là lần ông cùng một thanh niên tên Vọng đi trông ngô ở đồi Phe Ném. Đang ngồi nướng gà rừng, ông Liêu nghe có tiếng gấu bẻ ngô nên đến đuổi. Ông bắn 2 viên đạn vào nách con gấu kềnh càng nhưng nó vẫn còn rất khỏe nên hùng hục gầm rú đuổi theo ông.

Ông Liêu chạy vòng vèo trong rừng suốt mấy tiếng đồng hồ, rơi cả khăn đội đầu và dao đi rừng mà con gấu vẫn bám riết không tha. Khi ông mệt quá trượt chân ngã, con gấu lao vào vồ thì ông nã nốt viên đạn cuối cùng trúng vào bộ ngực vạm vỡ của nó. Con gấu chết, ông chặt 2 đùi gánh về, lúc cân lên thấy được hơn 40kg. Người thanh niên đi cùng thì sợ đến ngất lịm và từ đó về sau chẳng bao giờ dám đi cùng ông Liêu nữa.

Đến năm 1972, nạn thú dữ đe dọa cuộc sống người dân ở các tỉnh miền núi gần như không còn, ông Liêu quyết định giải nghệ và xin giải thể Ban săn bắn thú dữ bảo vệ sản xuất. Ông về Hòa Bình sống cuộc sống yên vui cùng vợ và 10 người con trai, gái...

Chỉ cho chúng tôi xem những kỷ vật của 21 năm tung hoành giữa núi rừng, ông Liêu bảo nhờ có sự rèn luyện của những chuyến đi săn mà giờ đây ở vào tuổi gần 90 ông vẫn có một cơ thể tràn trề sức mạnh để lao động sản xuất. Ông cười tự hào: "Bà con yêu quý thì gọi tôi là "vua săn hổ" chứ thực ra tôi chỉ làm tốt một nhiệm vụ được giao lúc đó".