Dân Việt

Nông dân cưỡi Lexus đi… làm ruộng, bán mì

12/02/2011 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Trong chuyến đi Nhật Bản dịp giáp Tết năm ngoái theo chương trình giao lưu thanh niên giữa Nhật Bản với các nước sông Mekong, tôi đã có những trải nghiệm khó quên.

“Việt- Đức có khỏe không?”

Chỉ sau gần 2 giờ đồng hồ “hành quân” từ Tokyo về hướng Bắc trên tàu cao tốc Shinkansen, chúng tôi đã vượt qua quãng đường hơn 300km để có mặt ở thành phố Fukushima, thủ phủ của tỉnh Fukushima. Thêm 2 giờ nữa di chuyển trên ô tô, cánh nhà báo Việt Nam và Myanmar chúng tôi đến thị trấn Kitakata khi trời đã sẩm tối.

img
Một nông trang tại thị trấn Kitakata.

Có lẽ, tính tôi dân dã quen rồi nên về đến Kitakata hơi trầm lặng, tôi cảm thấy dễ chịu hơn hẳn nhịp sống nhanh và nhịp nhàng đến mức khuôn khổ ở Thủ đô Tokyo. Người dân quê cũng khác, dường như họ hiếu khách và vồn vã hơn người “trên phố”. Về đến nhà homestay (du lịch ăn nghỉ tại gia đình người bản xứ), ông chủ Ichiro đôn đáo sắp xếp chỗ ở cho từng người rồi pha một ấm trà thật ngon mời khách chuyện trò làm quen.

Khi câu chuyện trở nên thân tình, trong lúc chúng tôi tỏ ra am hiểu về lịch sử của Fukushima (dĩ nhiên là vừa tìm hiểu trên google) thì ông Ichiro chợt hỏi: “Anh em Việt- Đức có khỏe không?”.

Ngớ người ra một chút, chúng tôi mới hiểu, ông Ichiro hỏi thăm về cặp song sinh Việt- Đức của Việt Nam mình. Khi chúng tôi cho biết, Việt đã qua đời, còn Đức đã xây dựng gia đình và hạnh phúc với tổ ấm của mình, ông Ichiro rớm nước mắt: “Tôi thương 2 cháu lắm. Khi các cháu sang Nhật điều trị, tôi rất quan tâm đến trường hợp này, nhưng ở quê không có điều kiện tìm hiểu thông tin nên bây giờ mới có dịp hỏi các bạn Việt Nam”.

Tôi lặng người vì xúc động. Hơn 20 năm rồi mà ông lão 60 tuổi này vẫn nhớ để hỏi thì quả thực, tình cảm của ông dành cho Việt Nam mình đáng quý và đáng trân trọng đến nhường nào.

img
Phóng viên Đức Hiếu.

Cưỡi Lexus đi… làm ruộng, bán mì

Chẳng riêng gia đình ông Ichiro mà ở nhiều gia đình Nhật Bản tại Fukushima, thanh niên đều đi làm ăn xa nên thành thử, nhà nào cũng toàn là người già với trẻ con. Như ông Ichiro thì cùng bà vợ Natsuko ở nhà trông cháu nội Kanata, còn anh con trai Kagawa và vợ thì đang kiếm sống trên Tokyo.

Cách nhà hơn 2km có mảnh ruộng, khi bà Natsuko chuẩn bị ra đồng kiểm tra hoa màu, tôi ngỏ ý muốn được “bám càng”. Thêm người thêm vui, bà Natsuko đi lấy xe đưa tôi thăm thú vùng quê Kitakata. Có lẽ, từ trước đến nay, khi chưa đến Nhật, tôi chẳng thể nghĩ, một người nông dân lại lái xe… Lexus đi làm ruộng bao giờ.

Có lẽ, từ trước đến nay, khi chưa đến Nhật, tôi chẳng thể nghĩ, một người nông dân lại lái xe… Lexus đi làm ruộng bao giờ. Nhà bà Natsuko có 2 ô tô thì bà cưỡi “con” Lexus, còn ông Ichiro thì đi chiếc Nissan.

Nhà bà Natsuko có 2 ô tô thì bà cưỡi “con” Lexus, còn ông Ichiro thì đi chiếc Nissan. Nông dân Nhật có khác, oách thật. Cuối đông, đầu xuân, ruộng vườn nhà bà Natsuko đã cày cấy xong đâu vào đấy.

Cũng đủ loại lúa, rau quả quen thuộc như Việt Nam. Khi tôi tò mò với một loại cây lạ, bà Natsuko cười hiền cho biết, đấy là quả hori (hay hiri gì đấy mà tôi không nhớ rõ cách phát âm), nếu ăn sống thì tê lưỡi, nhưng nấu canh với rong biển, đậu thì tuyệt ngon.

Thăm thú ruộng vườn một lúc, bà Natsuko thu hoạch luôn một ít rau quả về nấu cơm đãi khách. Quả thực, bữa cơm gia đình ăn nó cũng ấm cúng và ngon hơn nhiều tiệc buffet ở thủ đô. Tôi đặc biệt ấn tượng với món tempura mà bà Natsuko chế biến, gồm rau, tôm và khoai bọc bột chiên, ăn tuyệt ngon.

Trước bữa ăn, cô hướng dẫn viên Mỹ cho biết, chủ nhà homestay chỉ mời cơm, còn anh em, ai muốn có tí “đưa cay” thì phải mua. Nửa đùa nửa thật, chúng tôi mang luôn bánh đậu xanh, cà phê Trung Nguyên ra tặng ông Ichiro trước bữa ăn. Ấy thế mà gia chủ lập tức vào hầm rượu lấy ngay ra 2 chai sake to đùng mời lại khách. Đúng là người nông dân Nhật cũng giống nông dân mình, vừa hồn hậu vừa hiếu khách.

Buổi chiều, trong thị trấn có hội chợ. Bà Natsuko lại cho tôi “quá giang” ra hội chợ cùng lỉnh kỉnh những nồi niêu, soong chảo và rất nhiều đồ ăn. Ấy là bà ra chợ bán món mì ramen đặc sản của tỉnh Fukushima. Ở hội chợ, sau một hồi xăng xái giúp bà Natsuko chuẩn bị, tôi được vinh hạnh “mở hàng” một bát mì ramen ngon cứ gọi là… Mì Nhật kể cũng lạ, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy trên bát mì là một nửa quả chuối bọc bột chiên (mà ở mình thì đó đích thị là món bánh chuối), sợi mì to ơi là to và nước dùng thì ngọt lừ.

“Người ơi người ở đừng về”

Một tuần thế mà trôi qua thật nhanh. Vèo cái đã đến lúc chia tay. Hôm ăn bữa cơm “giã bạn”, ông Ichiro chẳng cần quà cũng mang ra 6 chai rượu sake cùng một mớ bia Asahi mời cả hội đánh chén một trận no say. Bữa cơm ấy có cả các khách mời là đội tuyển đua thuyền canoing của tỉnh Fukushima và anh chàng Keisuke là phóng viên báo Fukushima.

Có tí men, tình cảm và khí thế nó cũng dạt dào hơn hẳn. Khi cánh phóng viên Việt Nam hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, đến đoạn điệp khúc “Việt Nam, Hồ Chí Minh”, tôi thấy cả chủ nhà cũng gõ đũa hát theo đầy hào hứng. Mà họ hát đúng nhạc, đúng lời luôn mới siêu dù chắc chắn là bài này chúng tôi chưa hề dạy họ. Chẳng hiểu họ đã nghe ở đâu hay vì tình cảm gần gũi với người Việt Nam nên ca từ dễ ngấm đến vậy.

Bịn rịn lắm nhưng giờ chia tay rồi cũng điểm. Khi ra đến xe, anh bạn quê Bắc Ninh chợt hát “Người ơi người ở đừng về” khiến ai cũng xúc động. Chúng tôi ở đất nước bạn, vùng quê bạn mà thấy ấm lòng, thấy gần gũi như ở quê mình. Trong cái bắt tay thật chặt và nói lời “sayonara” (tạm biệt), ông Ichiro khẳng định: “Một ngày gần nhất, tôi sẽ thu xếp công việc, thời gian để đến thăm đất nước Việt Nam của các bạn”. Tôi tin rằng, câu nói ấy không khách sáo chút nào. Bởi người nông dân thì nước nào cũng thế, luôn có tấm lòng chân thật...