Thực tế, ở mùa trước ông Đoàn Nguyên Đức từng ra giá 1 tỷ tròn nếu HAGL thắng SHB Đà Nẵng trong trận bán kết Cúp Quốc gia, tuy nhiên, mức thưởng ấy không giúp HAGL thắng trận. Động thái của bầu Đức là có dụng ý, mức thưởng dù rất lớn nhưng cũng chỉ bằng 1/10.000 khối tài sản của ông. Song điều ông muốn chứng minh là mình vẫn "máu bóng đá" và tỏ ra không hề kém cạnh, thậm chí hơn một bậc so với bầu Hiển của SHB Đà Nẵng.
Trận V.Ninh Bình- Thanh Hóa thì có gì đặc biệt? Cũng chỉ là một trận đấu bình thường, đối thủ Thanh Hóa cũng không phải là "quá khủng" để phải ra một cái giá đặc biệt. Ẩn ý ở đây có lẽ chỉ là khoản 800 triệu đồng ấy thay món lì xì đầu năm mà ông bầu muốn chia cho các cầu thủ. Khác với khoản lì xì bình thường thì điều kiện đặt ra cho cầu thủ: Muốn có tiền phải lao động.
Nếu coi giá trị của Cúp Quốc gia là chính thống, là lương thì những khoản thưởng nóng chắc chắn là… lậu. Việc treo thưởng bao nhiêu, tùy ý các ông chủ CLB nhưng cuối cùng vẫn để lại tâm lý đòi hỏi nơi chính các cầu thủ, có tiền thì đá, không có tiền thì thôi.
Điều này là phi lý khi bản thân cầu thủ ở V.League đã nhận được mức lương cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội, cao hơn cả những đóng góp của họ cho địa phương, cho phong trào nói chung. Vậy tại sao cứ phải thêm phần "lậu" cầu thủ mới chơi hết mình?
Trong khi đó, các cầu thủ lại có suy nghĩ khác, họ chưa chắc đã coi trọng đồng lương hàng tháng, dù đã lên tới 40-50 triệu đồng/tháng, mà lại là những hợp đồng chuyển nhượng lên tới hàng tỷ dưới danh nghĩa là tiền… lót tay. Việc đưa ra những mức thưởng, hay các khoản chuyển nhượng vượt quá giá trị thật của trận đấu, của cầu thủ sẽ mang lại tác hại khó lường và đi trái với những gì mà bóng đá VN đang tiến tới là quá trình chuyên nghiệp hóa.
Cũng như trong một công sở hay doanh nghiệp, hiệu quả thế nào nếu ai cũng chỉ nhăm nhăm nhìn vào “lậu” thay vì phải cố gắng để xứng đáng với đồng lương của mình?
Đây lại là vấn đề không chỉ của bóng đá.
Vi Thành