Dân Việt

“Bốn nhà” xây nông thôn mới

12/02/2011 09:39 GMT+7
(Dân Việt) - Đồng ruộng có hệ thống thủy nông bê tông hóa, “bốn nhà” liên kết giúp ND xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh - địa bàn có trên 60% dân số người dân tộc Khmer sinh sống đang hình thành một nông thôn mới.

Mặc dù có tới 2.135ha đất canh tác, nhưng sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, cách nay gần 6 năm năng suất lúa ở Phú Cần chỉ dừng ở mức 3,5 tấn/ha/vụ.

img
Niềm vui trúng mùa trên cánh đồng liên kết bốn nhà.

Đột phá khâu thủy nông

"Từ thực trạng ấy, chúng tôi chọn ấp Cầu Tre, nơi có 98% bà con Khmer sinh sống làm điểm đầu tư xây dựng hệ thống thủy nông để giải quyết khâu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Dự án đã được T.Ư phê duyệt và đầu tư gần 9 tỷ đồng" - ông Kiên Ninh - Chủ tịch UBND xã Phú Cần nhớ lại.

Sau hai năm xây dựng, cánh đồng 110ha của 131 hộ Khmer ở ấp Cầu Tre hoàn thành, bao gồm một kênh chính, 18 kênh nhánh đều bằng bê tông nổi. Gia đình anh Thạch Chanh Xô Pha chỉ có 2.000m2 đất sản xuất, bà con trong ấp cử anh phụ trách trạm bơm, mỗi tháng được trả 950.000 đồng. Vào vụ sản xuất, anh ăn, ngủ ngay tại trạm để vận hành máy kịp đưa nước vào từng chân ruộng. "Nhờ công trình thủy nông, mình không còn nghèo nữa"- Xô Pha rộn ràng nói.

Đi cùng chúng tôi trên bờ kênh chính vừa làm đường giao thông, anh Thạch Ky - Chi hội trưởng ND ấp Cầu Tre cho biết, chi hội anh có 227 hội viên. Khi xã tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống thủy nông phục vụ tưới-tiêu, đa phần bà con tự nguyện hiến đất. Những hộ ít đất đời sống khó khăn thì được bồi hoàn theo giá thỏa thuận.

Bốn nhà vào cuộc

Sau 3 tháng "4 nhà" cùng vào cuộc, vụ lúa đông xuân đầu tiên năng suất của mô hình đạt bình quân 5,8 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm 2,1 tấn/ha tương đương 8.105.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Tây- Chủ tịch Hội ND xã Phú Cần cho biết, ngay sau khi công trình thủy nông hoàn thành và bắt đầu phát huy tác dụng, Hội ND làm nòng cốt vận động ND cùng với Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) T.Ư, Công ty BVTV An Giang; Chi cục Trồng trọt và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng mô hình "Liên kết 4 nhà" do UBND xã và huyện trực tiếp chỉ đạo. Hội ND xã chỉ đạo Chi hội ấp Cầu Tre hình thành 3 tổ hợp tác sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Như Cường (Viện BVTV) cùng các kỹ sư ở Cục BVTV & Trồng trọt Trà Vinh bám trụ hướng dẫn ND kỹ thuật làm đất, chọn giống, gieo sạ; điều chỉnh nước tưới… Công ty BVTV An Giang cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng thuốc theo phương pháp "3 giảm-3 tăng", cung ứng đầy đủ vật tư cho ND.

Tổng kết mô hình "liên kết 4 nhà" sau 10 vụ canh tác cho thấy: Sau mỗi vụ năng suất lúa tăng bền vững, chi phí "đầu vào" giảm từ 15-19%. Đến cuối 2010, toàn bộ 131 hộ tham gia mô hình không còn nghèo, đặc biệt có 15 hộ giàu, đó là hộ Thạch Sung; Thạch Triều; Thạch Riêng; Thạch Thone… Hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, 100% hộ không chỉ ấp Cầu Tre mà cả xã Phú Cần được sử dụng điện và nước sạch sinh hoạt. "Cảm động nhất khi kỹ sư Lê Văn Xiêm tổ chức cưới vợ, bà con Khmer ấp Cầu Tre mướn xe đến dự, coi anh như công dân của ấp"- ông Kiên Ninh thổ lộ.

Ông Kiên Ninh khẳng định, thành công của "liên kết 4 nhà" ở ấp Cầu Tre tạo tiền đề cho Phú Cần nhân rộng ra toàn xã trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng NTM theo hướng công nghiệp hoá.