Dân Việt

Sửa đổi, nâng cấp tiêu chuẩn VietGAP: Vẫn lo nông dân khó áp dụng

Thanh Xuân 14/08/2013 11:39 GMT+7
Mục đích cuối cùng của VietGAP là có sản phẩm nông sản sạch và tiêu thụ được với giá trị cao, nhưng phiên bản VietGAP 2 sau khi nâng cấp vẫn rất khó để nông dân áp dụng.
Nhiều bất cập

Tại Hội thảo "Sửa đổi, nâng cấp VietGAP rau, quả, chè" do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Năm 2008, Bộ NNPTNT đã ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nhưng đến nay người dân vẫn ngại áp dụng do yêu cầu ghi chép và hồ sơ lưu trữ về quy trình sản xuất còn phức tạp, nhiều “công thức cứng”, khó hiểu và vượt quá năng lực của nông dân; những yêu cầu về đất, nước của vùng sản xuất, về thuốc BVTV... còn chung chung, khó áp dụng; chưa quy định rõ về yêu cầu quản lý nhóm. Đặc biệt là việc sản xuất theo VietGAP cũng không làm tăng thêm giá trị so với sản xuất bình thường nên nhiều mô hình đã được cấp chứng nhận rồi, nhưng nông dân cũng không mặn mà duy trì, do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung VietGAP áp dụng với sản xuất rau, quả, chè.

Sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
Sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đà Lạt, Lâm Đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, về cấu trúc, VietGAP 1 có 12 tiêu chí, tuy không chỉ rõ thành các mô - đun khác nhau như ASEANGAP, nhưng có thể chia theo nhóm các yêu cầu quản lý như: An toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; phúc lợi xã hội của người lao động và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn quy định rất chung chung, khó áp dụng, đánh giá. Trong khi phiên bản VietGAP 2 do Cục Trồng trọt phối hợp Ban quản lý hợp phần thể chế - Dự án QSEAP xây dựng có sự kế thừa và kết hợp các tiêu chuẩn của VietGAP 1, ASEANGAP, Rianforest Alliance, United Fresh, QCVN 01-132-2013, GolbalGAP để phù hợp với quốc tế.

VietGAP 2 càng khó áp dụng

Theo ông Nguyễn Quốc Vọng - chuyên gia tư vấn dự án QSEAP, mỗi quốc gia phải có bộ tiêu chuẩn, vì thế chúng ta cần có VietGAP làm thước đo cho chất lượng nông sản xuất khẩu, đồng thời có thể sử dụng VietGAP như một rào cản thương mại nhằm ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo chất lượng khi vào nước ta.

Không đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Dũng - chuyên gia nghiên cứu VietGAP trong thủy sản cho rằng: “Chứng nhận VietGAP là quy trình sản xuất, còn đánh giá chất lượng xuất khẩu, hiện các nước vẫn lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm chứ không dựa vào chứng nhận VietGAP. Do đó, nếu nói xây dựng VietGAP là để xuất khẩu hay làm rào cản thương mại là không chính xác. Trong khi đó, VietGAP 2 lại được xây dựng theo kiểu lấy một tí tiêu chuẩn của nước này, một ít của nước khác rồi bắt người dân làm, vừa tốn kém, vừa khó thực hiện và không hiệu quả. Theo tôi, nếu muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì cứ lấy chính tiêu chuẩn của nước đó để làm là chuẩn nhất, nhanh nhất và không hề lo vướng”.

Tương tự, ông Đỗ Ngọc Sỹ - đại diện tổ chức 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê) tại Việt Nam nói: “So với VietGAP 2 thì tiêu chuẩn 4C mới đáp ứng được khoảng 70%. Trong khi VietGAP 1 đã khó áp dụng, VietGAP 2 càng phức tạp hơn thì tại sao không xây dựng một tiêu chuẩn cơ bản để người dân dễ làm, miễn là bán được sản phẩm với giá cao”.

Theo Cục Trồng trọt, đến hết tháng 7.2013, diện tích được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực là gần 5.000ha, trong đó rau là hơn 445ha, quả hơn 2.300ha, chè gần 2.000ha.



Bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng Bộ môn Thuốc cỏ dại và môi trường (Viện Bảo vệ thực vật) cho rằng: Chúng ta bàn quá nhiều đến xuất khẩu mà quên mất một yếu tố hết sức quan trọng, là an toàn. Bản thân tôi là người trực tiếp cùng nông dân triển khai các mô hình, nhưng khi đọc VietGap2, tôi thấy còn nhiều điều rườm rà hơn cả VietGAP 1. Đọc còn khó hiểu thì sao triển khai được.

“Ví dụ, một trong những quy định của VietGAP 2 là không được đốt chất thải ở ngoài trời, mà phải đốt ở trong thùng được thiết kế theo quy chuẩn với kích thước, vị trí thích hợp và có những biện pháp kiểm soát giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Điều này đến tôi là người làm về BVTV cũng không thực hiện được nữa là nông dân. Tôi nhất trí VietGAP 2 ra đời để sửa hạn chế của VietGAP 1, nhưng phải được cụ thể và dễ làm hơn thì nông dân mới áp dụng được” - bà Nhung nói.