Hiện tại, cả nước đã có 12 cơ sở điều trị cai nghiện bằng methadone, tập trung tại 5 thành phố, gồm: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng, với tổng số 2.291 bệnh nhân, trong đó có 2.005 bệnh nhân điều trị liều duy trì và 286 bệnh nhân đang dò liều.
Liều methadone mà bệnh nhân phải uống hàng ngày. |
Đánh giá bước đầu cho thấy, việc điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone đã đạt hiệu quả khả quan giúp bệnh nhân giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy. Đặc biệt, trong quá trình điều trị không có bệnh nhân tử vong do quá liều methadone và cũng chưa có bệnh nhân nào xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm (Hà Nội) là nơi đang điều trị cho 200 bệnh nhân cai nghiện bằng methadone theo Chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Bác sĩ Nguyễn Trang - Trưởng cơ sở điều trị methadone cho biết: "200 bệnh nhân có cải thiện rõ rệt về sức khỏe, tinh thần. Hầu hết không tái nghiện, có người đã khoẻ mạnh, đi làm bình thường".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trang, methadone sẽ hết tác dụng sau 24 giờ nên hàng ngày người nghiện phải đến điểm uống để được uống thuốc tại chỗ. Sau thời gian nhất định điều trị methadone thay thế ma túy sẽ tiến tới cai nghiện methadone... Như vậy, với những người nghiện ở vùng sâu, xa cần phát triển các cơ sở điều trị gần địa bàn họ sinh sống để giúp họ tiếp cận với dịch vụ này.
Hiện nay chi phí sử dụng methadone do các dự án tài trợ, sau này nếu hết dự án thì người nghiện sẽ phải mua thuốc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ không lớn bởi thuốc có giá thành rẻ, với liều duy trì, một bệnh nhân chỉ phải bỏ ra khoảng hơn 200.000 đồng/tháng.
Không chỉ tiết kiệm được khoản tiền từ ngừng sử dụng ma tuý hàng ngày, việc điều trị bằng methadone còn mang lại các lợi ích khác như giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm áp lực, bức xúc cho cộng đồng xã hội và cho chính gia đình người nghiện.
P.V