Dân Việt

Ông già 70 tuổi 335 ngày thổi khèn tìm vợ

14/02/2011 12:24 GMT+7
(Dân Việt) - 50 mùa hoa mận nở, vợ chồng nghệ nhân dân gian Vi Đình Công má ấp, tay kề. Mùa xuân thứ 51, vợ ông đột nhiên bỏ đi. Ngoài 70 tuổi, ông cùng với cây khèn đi khắp làng trên bản dưới, vượt vực thẳm, núi cao để gọi tìm vợ.

Chúng tôi về nhà nghệ nhân Vi Đình Công ở Piêng Chắn, xã Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An. Mái nhà sàn đơn sơ của vợ chồng ông nằm dưới chân núi Thà Lẻn đang vang lên tiếng khèn, tiếng hát giao duyên bài "Tình yêu và mùa xuân núi rừng" do ông mới sáng tác.

"Chắp gió"… được vợ

img

Mời khách ngồi bên bếp lửa uống rượu cần, già Công kể: "Ta mới chập chững tập đi đã thích nghe tiếng khèn. Rồi ta được già Tấu - người thổi khèn, làm khèn giỏi nhất bản dạy cho".

Vốn có năng khiếu bẩm sinh và ham học, cậu bé Công nhanh chóng thành thục các điệu khèn, điệu lăm, khắp, xuối, nhuôm... Người dân khắp vùng rừng núi Tương Dương đều biết tiếng hát, tiếng khèn của Công. "Tiếng khèn của nó làm con nai, con hoẵng quên lối về, con chim ngừng hót. Con gái mê tiếng khèn của nó kéo nhau từ làng trên, bản dưới vượt núi, vượt sông tìm đến từng đàn. Tiếng khèn của nó như có bùa mê thuốc lú ai cũng mê mẩn"- già Rin cùng lứa với già Công tâm sự.

Công vào bộ đội đi đánh Mỹ. Tiếng khèn, tiếng hát của Công cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của đơn vị. Cấp trên điều Công đảm trách đội trưởng văn nghệ. Công cùng đội văn nghệ đi khắp các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn để tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân các DTTS. Đi nhiều, Công học hỏi được cách sử dụng và chế tác nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Mông, ƠĐu, Khơ mú...

Trong men rượu liêng biêng, già Công cười ý nhị: "Nhờ tiếng Khèn, tiếng hát mà già ni cưới được vợ đẹp nhất vùng đó". Bà Lô Thị Khoành, vợ ông là sơn nữ có tiếng hát rất hay. Công xin cho vợ vào đội văn nghệ. Vợ chồng Công trở thành trụ cột của đội. Thiên diễm tình lãng mạn của họ nổi tiếng một thời khắp miền Tây xứ Nghệ. Hết chiến tranh, đội văn nghệ giải thể, vợ chồng già Công về bản Piêng Chắn làm nương, làm rẫy nuôi đàn con ăn học. Song, sóng gió cuộc đời không làm cho ông buông cây khèn, bà ngưng tiếng hát.

Thổi khèn tìm vợ

Vợ chồng già Công được ngành văn hóa huyện Tương Dương mời làm giảng viên các lớp chế tác nhạc cụ dân tộc, dạy nhạc, dạy hát những làn điệu dân ca Thái... Vợ chồng già được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, được tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam” và huy hiệu “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”.

Quấn quýt bên nhau như đôi bồ câu, khi mùa hoa mận thứ 51 đang còn sung mãn, bà Khoành đột nhiên bỏ đi. Anh Vi Văn Đả hàng xóm cho biết: "Từ khi vợ bỏ đi, đêm mô ông Công cũng thổi khèn thâu đêm suốt sáng gọi tìm". Thổi khèn 7 ngày đêm, bà vẫn không về, ông khoác tay nải và cây khèn đi tìm vợ.

"Ta nhớ nó lắm, nhớ quay quắt, vắng nó một ngày là ta không chịu được. Ta yêu vợ lắm, còn hơi thở ta còn đi tìm..."- già Công tâm sự. Bàn chân ông đi khắp làng trên bản dưới, vượt qua bao khe, bao núi. 335 ngày tiếng khèn ông liên tục gọi tìm vợ. Và bà đã về.

Lý giải về việc bỏ đi, bà Khoành tâm sự: "Ta ghét nó quý cây khèn hơn ta, ngày mô cũng làm khèn, thổi khèn. Lúc đầu ta định đi luôn nhưng ta cũng không thể xa được nó nên ta về ở một nhà trong bản, âm thầm bám theo nó khi nó rời nhà đi tìm ta. “Nếu giận ông, bà có bỏ đi nữa không”.

Bà cười: "Không đi nữa! Ta biết nó thật bụng thương yêu ta rồi. Chính cây khèn đã đưa ta đến với nó và cũng chính cây khèn đã làm ta xa nó. Ta sai rồi. Ta xin lỗi nó rồi”.

Già Công vít một sừng trâu rượu cần khà lên một tiếng sảng khoái, khoác vai bà lắc lư: "Cho dù cá dưới sông biến thành đá ta cũng không bỏ nhau em ơi". Trong ánh lửa bập bùng, già Công nâng cây khèn lên thổi. Tiếng khèn quyện với lời ca của bà Khoành khi khoan khi nhặt, khi dịu êm như suối chảy, khi ào ạt, vỗ về như ánh trăng trào vỡ... Họ trao nhau ánh mắt tình tứ và đắm say như những mùa xuân thuở hoa niên.