Họ phần nhiều là dân Quảng Ngãi, vốn có tiếng "lỳ" nhất miền Trung cái khoản xe máy đường trường.
Vì cực nên liều
Họ phần lớn vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề lao động phổ thông, có thu nhập thấp. Nếu không về quê bằng xe máy thì chỉ có thể đi bằng xe đò (chứ không đủ tiền đi tàu hỏa hay máy bay). Mà nói đến xe đò thì ai cũng hoảng.
Anh Nguyễn Văn An (32 tuổi, quê ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) nói: “Cuối năm, cả biển người chen nhau mua vé xe về quê, mua được cái vé cũng khổ trần ai. Lên xe thì bị nhồi nhét, bị nhà xe "hành hạ" đủ điều.
Nhóm bạn của anh Lê Xuân Viên (36 tuổi), quê ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh - công nhân may ở TP.HCM bắt đầu cuộc hành trình rời quê. |
Sau mấy năm đi xe đò khổ sở, tôi quyết định đi xe máy". Anh An đã có "thâm niên" 4 năm đi xe máy về quê. Nhờ đi xe máy mà anh quen và cưới cô vợ bây giờ (cũng là một công nhân ở TP. Hồ Chí Minh), vốn nghe nói đến xe đò ngày Tết là sợ đến phát khóc.
Chị Thanh kể: "Em hay bị say xe. Vậy mà mỗi năm phải hai lần đi - về bằng xe đò. Đến bây giờ nghĩ đến còn ói. Có lúc em "thề" là chỉ ưng ai dám đi xe máy về quê. Chính vì vậy mà lúc trước nghe anh An nói sẽ đi xe máy về quê, em "chịu" ảnh liền".
Phần lớn lao động Quảng Ngãi cưỡi "xế nổ" vào Nam đều có lý do là “để tránh xe đò”. Họ quá oải cảnh đợi chờ, chen lấn để mua vé tàu xe ngày Tết.
Anh Trần Văn Ngân (36 tuổi, ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ) làm thợ hồ ở TP.HCM, cùng với nhóm bạn 5 người cùng xã đã có "thâm niên" 5 năm đi xe máy, tính: Ngày Tết giá vé ôtô là 500.000 đồng/vé. Với 3 xe gắn máy và 6 người, riêng tiền vé cho xe đã mất 4,5 triệu đồng, chưa tính tiền ăn uống. Trong khi đó 6 người đi xe máy (3 chiếc), tổng chi phí xăng xe, ăn uống chỉ 3,5 triệu đồng, dư được 1 triệu đồng.
Nhiều rủi ro, lắm bất trắc
Thế nhưng để có thể điều khiển xe máy vượt chặng đường cả nghìn km liên tục không phải là chuyện dễ. Trước tiên phải có sức khỏe. Đi hết chặng đường Quảng Ngãi - TP.HCM, chạy giỏi nhất cũng phải mất 1 ngày đêm, nhiều hơn ôtô 6-7 giờ. Tốc độ đi không quá 60km/giờ vì đường phức tạp, đông xe các loại.
Cứ chạy khoảng 300km thì dừng lại nghỉ ở một quán cóc ven đường khoảng 1 giờ, nghỉ ngơi, ăn uống rồi đổi tài xế đi tiếp, không có khái niệm ngủ với giới xe máy đường trường. Vì ngủ thì phải tốn kém tiền nhà trọ, nhà nghỉ và mất thời gian.
Trường hợp những cặp vợ chồng đi một xe máy, thì số lần nghỉ nhiều đến 5 lần vì chỉ 1 "tài". "Mưa gió hay đêm tối gì, chúng tôi cứ thế mà lầm lũi chạy và tự động viên mình, như liều "doping" để vượt qua 1.000km nhọc nhằn" - anh Trần Văn Ngân tâm sự.
Ngoài chuyện sức khỏe tốt, thông thuộc đường sá, tay lái "cứng", đòi hỏi người đi phải có chút ít nghề sửa xe. Giới xe máy đường trường bao giờ cũng đi theo nhóm, mỗi nhóm có ít nhất 1 người biết sửa xe máy, xe hư đâu sửa đó. Dù là đi xe xịn cũng không ai dám liều mạng.
Tuy nhiên, điều mà những xế nổ đường dài ngại và sợ nhất là chuyện tai nạn giao thông. Hầu như năm nào cũng nghe, thấy có người đi xe máy ở Quảng Ngãi bị thương vong vì chuyện này. Trước Tết Tân Mão, có hai vợ chồng bán vé số ở huyện Bình Sơn đi xe máy vào Nam đã bị ôtô khách tông bị thương nặng tại địa phận Phú Yên...
Công Xuân